1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sự cố kỹ thuật máy bay là chuyện bình thường?

(Dân trí) - Ba sự cố máy bay trong vòng 1 tháng là sự kiện hy hữu trong ngành hàng không Việt Nam, gây nên nỗi hoang mang cho hành khách. Ngay bản thân phía Vietnam Airlines cũng có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

“Sự cố là rất bình thường”

 

Trong cuộc trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) khẳng định: Hãng dù lớn dù nhỏ đều phải chấp nhận rủi ro. Trên thực tế, số lượng những sự cố xảy ra đối với VNA trong năm 2006 không cao hơn năm 2005, chỉ có điều có những sự việc “lạ” hơn.

 

Theo ông Trung, những sự cố kỹ thuật vừa qua là bình thường, vấn đề quan trọng nằm ở phía người sử dụng phương tiện và cách thức xử lý sự cố.

 

Như trường hợp chiếc máy bay gặp sự cố phải hạ cánh khẩn cấp xuống Baku (Azerbaijan) là do bộ phận sưởi kính làm việc quá tải, gây ra hiện tượng rạn kính chắn gió. Việc đó không ảnh hưởng gì đến an toàn chuyến bay, máy bay vẫn có thể tiếp tục hành trình. Nhưng tổ bay lại thấy không yên tâm nên hạ cánh để xử lý. Tuy nhiên ông Trung cũng cho biết VNA không phàn nàn tổ bay về cách xử lý đó bởi sự an toàn của hành khách vẫn là quan trọng nhất.

 

Về trường hợp chiếc máy bay B320 gặp sự cố ngày 26/1, cũng phải hạ cánh khẩn cấp, ông Trung giải thích là do máy bay bị tụt áp. Bộ phận kỹ thuật đã sửa chữa nhưng khe hở buồng kính không được phát hiện. Đây là nguyên nhân gây giảm áp, hệ thống báo động tự động mở ra cho khách thở mặc dù nhu cầu lúc đó chưa cần. 

 

Ông Trung nhấn mạnh, sự cố đó xảy ra đối với chiếc B320 vì “nó đã qua 10 năm sử dụng. Những hỏng hóc đó trong kỹ thuật đối với chúng tôi là hết sức bình thường”.

 

Trả lời câu hỏi: Vì VNA đang căng sức mở rộng giờ bay nên quá tải? - ông Trung phủ nhận “không phải vậy” vì “các hãng hàng không phải hoạt động quanh năm suốt tháng chứ đâu phải lúc này căng lúc khác không căng đâu. Hơn 15 ngàn chuyến và hơn 120 ngàn giờ bay trong một năm là hoạt động trung bình chứ không phải căng”.

 

“Không thể nói là không nghiêm trọng”

 

Năm 2007 là năm bản lề đối với ngành hàng không trong công tác an toàn, an ninh. Năm nay quyết định chúng ta có mở đường bay thẳng tới Mỹ được không.

 

Theo cơ quan chức năng, để mở đường bay này, Hàng không Việt Nam phải khắc phục một số vấn đề như: Phải có lực lượng thanh tra, cảnh vệ chuyên trách trên không.

 

Ngoài ra, Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế và Hoa Kỳ cũng yêu cầu Việt Nam phải thành lập Ủy ban An ninh hàng không.

 

Theo ông Lại Xuân Thanh, có thể phải tới tháng 5/2008, VNA mới mở được đường bay trực tiếp tới Mỹ.  

Cùng về vấn đề những sự cố liên tiếp của VNA thời gian qua, ông Lại Xuân Thanh - Cục phó Cục hàng không - lại có cách nhìn khác: “Không ai dám nói sự cố là bình thường. Rõ ràng đó là những sự cố nghiêm trọng về an toàn hàng không bởi có sự cố là có uy hiếp đến an toàn hành khách, ảnh hưởng đến uy tín dịch vụ của hãng hàng không.

 

Tuy nhiên, trong các hoạt động kỹ thuật thì không tránh khỏi hoàn toàn các sự cố. Cái quan trọng là cách thức xử lý sự cố và rút kinh nghiệm. Với chức năng đảm bảo an toàn các nhà khai thác bay, Cục thường xuyên có chỉ đạo, giám sát chặt chẽ.

 

Ví dụ máy bay hỏng hóc lặp lại như A320 VN 2366 gặp sự cố vừa rồi thì Cục hàng không yêu cầu đình chỉ, chỉ đưa vào khai thác sau khi đáp ứng các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt của Cục”.

 

Theo ông Thanh, vấn đề đáng lo ngại nhất về an ninh, an toàn hàng không của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay là công tác tìm đối tác nước ngoài, tìm vật tư phụ tùng thay thế. Mặc dù những vấn đề này không uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay nhưng việc máy bay phải nằm chờ lâu do vật tư phụ tùng kho thiếu sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trên thực tế còn có trường hợp đối tác nước ngoài không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng thuê, tráo đổi phụ tùng, gây khó khăn cho các hãng bay.

 

Một thực tế không thể phủ nhận rằng, năm 2006 là năm thứ 10 liên tiếp VNA đảm bảo an toàn tuyệt đối, không xảy ra sự cố lớn về an toàn hàng không. Tuy nhiên, việc gần đây những sự cố xảy đến liên tiếp, dù theo cách giải thích của nhà khai thác là hoàn toàn mang tính kỹ thuật, cũng là “cơ hội” để các hãng hàng không nhìn lại mình.

 

Phúc Hưng