1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Sông Tranh 2 là bài học về trách nhiệm phòng chống thiên tai

(Dân trí) - Các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ đùn đẩy, né trách nhiệm khi thiên tai nghiêm trọng; Sông Tranh 2 là bài học để phải cấm ngặt việc xây dựng công trình khi chưa có quy hoạch… ĐBQH cảnh báo trong phiên thảo luận về luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) dẫn số liệu thống kê trong 10 năm qua, có trên 5.000 người thiệt mạng, trên 600 người mất tích, trên 10.000 người bị thương do thiên tai. Thiên tai đã tác động xấu đến môi trường và làm thiệt hại cho xã hội đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, thời gian gần đây, biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên của trái đất đã làm cho thiên tai diễn biến bất thường và ngày càng khốc liệt, đòi hỏi chúng ta phải có khung pháp lý cao hơn để làm cơ sở cho việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới.

Với nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai mà dư thảo luật đưa ra "cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau, nhà nước hỗ trợ", đại biểu cho là chưa hợp lý.
 
Đại biểu Cao Thị Xuân.
Đại biểu Cao Thị Xuân.

Tán thành ý kiến này, đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) lập luận, phòng chống thiên tai là công việc rất quan trọng liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân và đất nước.Việc xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm chủ yếu là do Nhà nước đầu tư, khi thiên tai xảy ra tác hại là rất lớn và phạm vi rộng.

Để khắc phục hậu quả của thiên tai, theo đại biểu, Nhà nước phải đóng vai trò là “nhạc trưởng” để điều phối mọi hoạt động nhằm đảm bảo nhanh, đồng bộ mạnh mẽ để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Bà Phương phân tích thêm, phòng, chống thiên tai là một lĩnh vực đa ngành, có sự tham gia quản lý và thực hiện của nhiều bộ, ngành, địa phương. Hoạt động phòng, chống thiên tai cũng liên quan đến quyền, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, chính quyền địa phương và nhiều bộ, ngành và việc phân công trách nhiệm này chỉ có Nhà nước mới có thể thực hiện được. Vì vậy, Nhà nước phải giữ vị trí chủ đạo chứ không phải là vai trò hỗ trợ trong việc này.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề nghị thay cụm từ “nhà nước hỗ trợ” thành “nhà nước chịu trách nhiệm chính” vì nếu quy định như dự thảo luật, khi thiên tai xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng do những yếu tố chủ quan, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan dễ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Một vấn đề khác nhận nhiều ý kiến phản biện, tranh luận là quy định về các hành vi cấm đề tránh hiện tương sử dụng sai ngân sách, trục lợi hàng cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, thảm họa.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định để tránh lợi dụng thiên tai xảy ra để sử dụng sai ngân sách, kinh phí, có nguy cơ tham nhũng khi sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai…

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) phân tích quy định về nguồn quỹ tự nguyện và đóng góp bắt buộc làm kinh phí phòng chống thiên tai. Theo đại biểu, cần quy định rõ vấn đề này ngay trong luật và “chỉ đích danh” cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm quản lý để tăng tính minh bạch.
 
Về quản lý và cấp phát nguồn hàng cứu trợ khi thiên tai xảy ra, đại biểu Nguyễn Cao Phúc cũng góp ý luật phải thể hiện rõ nội dung cấm lợi dụng việc tiếp nhận hàng cứu trợ ủng hộ thiên tai lũ lụt để trục lợi.
 
Đại biểu Bùi Ngọc Chương.
Đại biểu Bùi Ngọc Chương.

Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) đề nghị cân nhắc nêu thêm một số hành vi cấm như chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển và đặc biệt là rừng vườn quốc gia. Theo đại biểu, đây chính là giải pháp quan trọng để vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa giảm tác hại của biến đổi khí hậu và vừa hạn chế thiên tai, lũ lụt xảy ra. Việc bổ sung hành vi nghiêm cấm này sẽ có tác động tích cực và có ý nghĩa thực tiễn trong công tác phòng tránh thiên tai với phương châm hành động là "không để nhân tai trở thành thiên tai" từ việc phá hoại rừng của con người gây ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) cũng đề xuất cấm xây dựng các công trình khi chưa có quy hoạch hoặc khảo sát cụ thể.

“Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm từ thủy điện Sông Tranh 2. Do bất cập trong công tác khảo sát địa chất mà thân đập đã được xây dựng trên đới đứt gãy của vỏ trái đất, dẫn đến hiện tượng động đất trong thời gian qua làm cho người dân rất hoang mang, lo sợ, mất ăn mất ngủ, bỏ cả ruộng nương vì không biết tính mạng của mình được an toàn đến bao giờ” - bà Thanh dẫn chứng, đồng thời đề nghị quy định cấm báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đây là lần đầu tiên luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai được trình, thảo luận tại Quốc hội. Theo quy trình, luật sẽ được bàn tiếp và thông qua trong kỳ họp tới.

P.Thảo