1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Sống sát công trình thủy điện mà dùng điện giá "ngất ngưởng"

(Dân trí) - Mặc dù sống ngay sát công trình thủy điện Bản Vẽ nhưng 70 hộ dân ở đây phải chịu mức điện giá cao, lên tới 2.400 đồng/kw. Điều đáng nói là giá điện này do người thu tiền điện quy định. Chỉ trong vòng hơn nửa năm, người này đã tự ý nâng 3 lần giá điện bán cho dân.

Người dân sát thủy điện Bản Vẽ phải dùng điện giá cao

 

Dân nghèo “gánh” điện giá cao

Bản Vẽ (Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An) nằm sát công trình Thủy điện Bản Vẽ, có 71 hộ dân sinh sống, chủ yếu là dân “góp”, trong đó nhiều nhất vẫn là dân bản Khe Ò kéo ra sinh sống. Trước đây, khu vực này là nơi ở của công nhân xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Khi công trình này hoàn thành, các công nhân rời đi, nhà cửa bán lại cho các hộ dân. Các hộ này cũng thừa kế luôn hệ thông đường dây điện trước đây phục vụ cho công nhân.

Ông Vi Thanh Sơn cũng từ bản Khe Ó ra bản Vẽ mua nhà sinh sống cho biết, năm ngoái gia đình ông được Chi nhánh Điện lực huyện Tương Dương bán điện tại gia với khung giá điện bậc thang. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 đến nay gia đình ông chỉ được dùng điện một giá. Mức giá hiện tại là 2.400 đồng/kw, cao hơn bậc thang cuối cùng trong bảng giá điện do Nhà nước quy định.

Mặc dù chỉ có 30 số điện, nằm ở bậc thang thấp nhất trong biểu giá bậc thang nhưng gia đình chị Hương vẫn phải trả cao hơn mức cuối cùng của điện bậc thang.
Mặc dù chỉ có 30 số điện, nằm ở bậc thang thấp nhất trong biểu giá bậc thang nhưng gia đình chị Hương vẫn phải trả cao hơn mức cuối cùng của điện bậc thang.

“Giá điện cao thì tiền điện tăng lên, trong khi đó mức tiêu thụ thì cũng không thay đổi nhiều lắm. Hỏi thì anh Quỳnh (người trực tiếp thu tiền điện – PV) nói là điện kinh doanh nên có giá đó. Nhà tôi có kinh doanh buôn bán gì đâu mà lại phải trả điện kinh doanh?”, ông Sơn thắc mắc. Mỗi tháng gia đình ông phải trả ngót nghét nửa triệu tiền điện. Với người dân nơi đây, số tiền điện như vậy là quá lớn tuy nhiên vì không biết kêu ai nên cũng phải cố đủ số tiền để đóng nộp.

Chị Lô Thị Hương (SN 1985) đưa cho tôi xem xấp hóa đơn tiền điện cho gia đình. Hóa đơn ngày 16/6/2015 gia đình chị phải chịu mức giá 2.000 đồng/1kw điện. Trong tháng 8, tháng 9 vừa qua, giá điện là 2.400 đồng/1kw. Với mức giá này, chỉ với 73 số điện, gia đình chị phải trả đến 175.200 đồng.

“Họ chỉ đến đưa phiếu báo rồi thu tiền thôi, không giải thích là sao lại có mức giá này. Chúng tôi thấy mức giá điện này cao quá. Người dân ở đây là dân “góp”, không có đất canh tác, chủ yếu là đi làm thuê hoặc bán mấy thứ hàng hóa lặt vặt mà phải chịu mức giá điện cao quá”.

Gia đình ông Vi Thanh Sơn cũng phải trả mức giá 2.400 đồng cho mỗi kw điện.
Gia đình ông Vi Thanh Sơn cũng phải trả mức giá 2.400 đồng cho mỗi kw điện.

Bà Lương Tiến Phao (SN 1948) trung bình mỗi tháng phải trả từ 350-400 nghìn tiền điện. Nhà có 2 ông bà, cùng với 1 chiếc tủ lạnh, 1 chiếc ti vi, 3 bóng đèn thắp sáng và 2 cái quạt. “Ông bà già rồi, cũng không biết là mỗi tháng dùng hết bao nhiêu số điện. Anh Quỳnh (người thu tiền điện – PV) nói bao nhiêu thì trả bấy nhiêu thôi. Thấy nhiều quá, không có tiền mà trả phải đi vay, đi mượn nếu không lại bị cắt điện. Tiền điện nhiều đó nhưng không biết kêu ai”, bà Phao nói

Điều đặc biệt là tờ phiếu ghi chỉ số điện không theo một mẫu nào của ngành điện mà do ông Trịnh Văn Quỳnh tự thiết kế. Mặc dù vậy, trong phiếu này cũng có tính 10% giá trị gia tăng như những hóa đơn khác do Bộ tài chính phát hành. Trong tờ phiếu này cũng chỉ có mỗi mình ông Quỳnh kí tên xác nhận là đơn vị thu tiền điện.

Hao phí lớn, phải thu cao

Được biết, người đọc số công tơ cũng như thu tiền điện của các hộ dân này là ông Trịnh Văn Quỳnh. Mang những thắc mắc của người dân hỏi ông Quỳnh, ông này cho biết, điện các hộ dân hiện đang sử dụng không phải là điện bậc thang đối với khu vực nông thôn mà điện mua tại trạm. Chi nhánh điện lực bán điện tại trạm cho ông Quỳnh từ tháng 11/2014. Ông Quỳnh bán điện từ trạm đến các hộ dân.

Bà Lương Tiến Phao: Giá điện cao nhưng không biết kêu ai.
Bà Lương Tiến Phao: "Giá điện cao nhưng không biết kêu ai".

Lý do giá điện cao ngất ngưởng được ông Quỳnh lý giải là do hao phí điện năng trong quá trình truyền tải quá lớn. Trung bình mỗi tháng, mức hao hụt đường dây là 5.000kw điện, có tháng cao điểm lên tới 7.000-8.000kw.

“Hao hụt nhiều quá thì phải tăng lên. Điện lực bán cho mình tại trạm, hao hụt bao nhiêu thì mình phải chịu nên mình phải tính. Mà mình có dùng đâu, các hộ dân dùng thì các hộ phải chịu”, ông Quỳnh cho biết.

Việc đề ra mức giá 2.400 đồng/kw không căn cứ vào quy định mà căn cứ vào số điện bị hao hụt trên thực tế. Người dân sử dụng điện sinh hoạt cũng chung mức giá điện 2.400 đồng/kw như các đơn vị sử dụng điện sản xuất trong vùng.

Cũng theo ông Quỳnh, trong tháng 9 vừa qua, số điện ghi từ các đồng hồ điện của 71 hộ dân là hơn 19.000kw trong khi đó, đồng hồ trạm tổng thể hiện con số tiêu thụ điện lên tới 25.000kw. Và số hao phí điện năng này được “bổ” vào từng hộ dân. Ông Quỳnh cũng cho biết việc thay mới, nâng cấp hệ thống đường dây điện lại chưa nằm trong kế hoạch bởi vì dân cư ở đây chưa ổn định.

Ông Trịnh Văn Quỳnh cho rằng giá điện cao là do phải bù lỗ vì mức hao hụt điện năng quá lớn.
Ông Trịnh Văn Quỳnh cho rằng giá điện cao là do phải bù lỗ vì mức hao hụt điện năng quá lớn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Thành - Trưởng phòng kinh doanh Chi nhánh Điện lực huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết đơn vị bán điện tại trạm tổng với theo khung giá bán buôn dành cho điện sinh hoạt bậc thang khu vực nông thôn. Theo đó, mức giá bán cho 50 số đầu là 1.200 đồng; 51-100kw tiếp theo có giá 1.279 đồng; từ 101-200kw là 1.394 đồng; từ 201-300kw là 1.720 đồng; từ 301-400kw có giá 1.945; từ 401kw trở lên là 2.018 đồng/kw.

“Chi nhánh bán điện tại trạm tổng, anh Quỳnh phân phối điện tới từng hộ gia đình theo phương thức thự thu, tự chi. Nếu quản lý tốt thì giá bán đến tay người dân gần bằng giá bán buôn theo quy định Nhà nước, quản lý không tốt thì tổn hao trên lưới lớn, sản lượng sẽ đội lên do vậy giá điện đến tay người tiêu dùng cũng cao hơn”, ông Thành lý giải.

Nguyên nhân dẫn đến tổn thất đường dây lớn cũng được ông Thành chỉ rõ là do sử dụng lưới điện trần, cột điện sắt, dây điện bị các loại dây leo đeo bám chằng chịt cùng với đó là nạn trộm cắp điện cũng như trình độ quản lý hạn chế.


Việc tính thuế GTGT cũng được ông Quỳnh thu ngẫu hứng.

Việc tính thuế GTGT cũng được ông Quỳnh thu ngẫu hứng.

“Chi nhánh điện lực Tương Dương cũng đã lập phương án cho các khu vực có tổn thất, hao phí điện năng cao, thường xuyên kiểm tra, theo dõi lượng điện cũng như tìm ra những hộ dân ăn cắp điện. Về chuyên môn, chi nhánh cũng đề nghị anh Quỳnh sắp xếp thời gian hợp lý ra chi nhánh để được bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ quản lý.

Biện pháp tối ưu là nâng cấp, thay mới hệ thống đường dây điện đã cũ, hư hỏng, chắp vá như hiện nay. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm của địa phương. Một phần là chưa có nguồn, một phần là do dân ở đây chủ yếu là dân góp nên việc đầu tư một khoản kinh phí lớn cũng rất khó”, ông Thành cho hay.

Có nghĩa là trong khi cơ quan hữu quan chưa đưa ra được phương án tối ưu nhất thì 71 hộ gia đình ở ngay sát công trình thủy điện Bản Vẽ vẫn phải tiếp tục gánh giá điện cao ngất ngưởng như hiện nay.

                                                                       Hoàng Lam – Xuân Chinh