1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sông Ô Lâu kêu cứu!

(Dân trí) - Sau 5 trận lũ liên tiếp hồi cuối năm vừa qua, hai bờ sông Ô Lâu ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) sạt lở rất nghiêm trọng. Thêm vào đó, “sa tặc” lộng hành suốt nhiều năm qua cũng góp phần phá nát đôi bờ sông.

Sạt lở nghiêm trọng

 

Ông Nguyễn Mân, trưởng thôn Trạch Hữu, dẫn chúng tôi ra đoạn bờ sông đang bị sạt lở nghiêm trọng. Con đường đất cát liên thôn trời mưa xuống vốn đã lầy lội, giờ đã bị “đẩy” ra sát mép sông, rất nguy hiểm cho người dân đi đường.

 

Dọc theo tuyến đường liên thôn này, có nơi điểm sạt lở đã ăn sâu vào 20m và vẫn tiếp tục có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Nhiều điểm sạt lở chỉ còn cách nhà dân từ 1-2m. Được biết, cả 8 thôn trên địa bàn xã Phong Thôn nằm ven con sông Ô Lâu đều đang lâm vào tình trạng sạt lở uy hiếp nghiêm trọng.

 

Ở xã Phong Thu, hai bên dòng sông Ô Lâu, từng thớ đất bị lũ xói mòn, cuốn phăng xuống lòng sông. 20km trải dài đôi bờ sông đều sạt lở rất nghiêm trọng, đe dọa đến đời sống của gần 300 hộ dân sống ven sông.

 

Anh Phan Quốc Hoàng, một người dân ven sông, lo lắng: “Chưa năm nào con sông này sạt lở như năm nay. Anh thấy đấy, hàng tre 2 bên dòng sông cũng bị trốc gốc, hàng trăm mét khối đất đã bị cuốn trôi trong những trận lũ vừa qua. Cho đến bây giờ vẫn chưa thấy cơ quan chức năng có biện pháp gì. Chúng tôi sống hai bên bờ sông rất lo lắng. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, không biết năm sau có còn thấy người thân không nữa”.

 

Cụ Nguyễn Thị Loan, 87 tuổi, than thở: “Tôi sống ở đây đã lâu rồi, từ ngày giải phóng đất nước, cả đời chưa bao giờ thấy cảnh sạt lở ăn sâu như năm ni. Khi mùa lũ về, cứ nằm nghe mưa là sợ nước lớn, lo lũ dâng rồi cuốn đi không biết khi nào”.

 

“Sa tặc” góp phần phá nát bờ sông

 

Ông Nguyễn Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Phong Thu, chán ngán: “Hết lũ lại “sa tặc”, con sông hiền hoà ngày nào không còn nữa”. Bao nhiêu năm nay, “sa tặc” ngang nhiên lộng hành, khai thác cát sạn dưới lòng sông. Hàng chục chiếc thuyền “điên cuồng” đào bới lòng sông. Khi cát sạn giữa lòng sông đã cạn, bọn chúng tấn công vào hai bên bờ sông, khiến bờ sông ngày một bị khoét sâu.

 

Một người dân bức xúc: “Trước đây “sa tặc” thường khai thác cát trái phép ở sông Bồ, vừa rồi UBND huyện bắt và phạt nên họ chuyển địa bàn hoạt động đến sông Ô Lâu và khai thác vào ban đêm để tránh lực lượng chức năng.

 

Trước thực trạng sạt lở đang đe doạ tính mạng và tài sản của hàng ngàn người dân, chính quyền các xã chủ động thực hiện di dời dân đến nơi an toàn khi trời mưa lớn. Đồng thời, xã cũng vận động người dân tiếp tục trồng các loại cây tre, bạc hà để chắn sóng, chắn cát.

 

Nhóm PV