1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh Hóa:

“Sống mòn” ở khu tái định cư

(Dân trí) - Sau hơn 7 năm (từ năm 2003) đến vùng tái định cư mới để nhường chỗ cho công trình hồ chứa nước Cửa Đạt, hàng trăm hộ dân tái định cư tại hai xã Thanh Tân và Thanh Kỳ, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) vẫn chịu cảnh “sống mòn”.

7 năm ròng rã không thể "an cư lạc nghiệp"

Để thực hiện công trình Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) phải tiến hành chặn dòng, "dìm" hàng nghìn ha đất dưới lòng hồ. Bởi vậy hơn 2.000 hộ dân với khoảng 10.000 nhân khẩu phải di dời đi đến vùng tái định cư mới.

“Sống mòn” ở khu tái định cư - 1
Ông Hà Văn Dựng, trưởng thôn Đồng Tâm bên cánh đồng cháy khô

Theo Quyết định số 2840/QĐ-UB ngày 29/11/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, Dự án tái định cư tại 2 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ (Như Thanh) được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm khai thác tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất, từng bước ổn định cho hơn 400 hộ dân. Dự án được đầu tư gần 40 tỷ đồng.

Sau 7 năm từ khi dự án triển khai, trở lại xã Thanh Tân, nơi mà những hộ dân theo dự án di dân từ lòng hồ Cửa Đạt đang ở, vẫn thấy cằn cỗi hoang sơ. Tiếp xúc với chúng tôi, chị Vi Thị Hà, thôn Tân Hùng, buồn rầu: “Ngày trước có đất sản xuất, ngoài thời vụ chúng tôi thường đi rừng lấy củi, hái măng về bán, cuộc sống cũng tương đối. Nhưng từ khi chuyển đến đây cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào lúa với mấy sào đất rừng thuê của lâm trường, nên cuộc sống còn vất vả lắm”.
 
“Sống mòn” ở khu tái định cư - 2
Nhiều giếng khơi không còn nước

“Sống mòn” ở khu tái định cư - 3
Không có nước, mọi sinh hoạt đều phải ra khe nước nhỏ này
 
Ông Lương Văn Inh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: “Toàn xã có 230 hộ dân tái định cư. Đời sống của người dân đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt trong khi quỹ đất của xã không còn để cấp cho các hộ dân. Chúng tôi đang tiến hành mở lớp đào tạo nghề giúp bà con kiếm công ăn việc làm chứ tình trạng này kéo dài là không ổn”.

Tại xã Thanh Kỳ cũng có gần 200 hộ dân tái định cư sinh sống ở hai thôn Đồng Tiến và Đồng Tâm cũng đang khốn khổ vì không có đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đã 7 năm trôi qua nhưng mọi thứ ở đây dường như không có gì thay đổi, thậm chí nhiều căn nhà đã xuống cấp mà người dân không có tiền để sửa sang, làm mới.
 
“Sống mòn” ở khu tái định cư - 4
Những cánh đồng khô cháy vì thiếu nước

Cuộc sống của người dân tái định cư, nhất là trẻ em nơi đây, phần lớn học hết cấp 2 là nghỉ học vì điều kiện khó khăn. Đàn ông thanh niên thì bỏ đi làm ăn xa, trong đó không ít người đi làm ăn xa khi về làng còn mang theo căn bệnh thế kỷ.

Hiện nay trong số 16 bể nước tại khu tái định cư có 15 bể phải hạ độ cao đáy bể vì không có nước. Công trình hồ Khe Thoong, xã Thanh Kỳ được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng cũng cạn khô và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Những khu nhà ở đây được thiết kế san sát nên vào mùa mưa, nước thải gia súc, gia cầm của nhà trên cứ thế theo mưa chảy xuống nhà dưới, khiến cho môi trường sống ở đây đang bị đe doạ. Không chỉ nước sinh hoạt mà nước phục vụ sản xuất cũng thiếu. Nhìn những thửa ruộng của người dân lúa đã đến kỳ trổ bông cứ vàng úa mà không khỏi xót lòng. Hệ thống kênh mương dẫn nước vào những cánh đồng đã xuống cấp, hư hỏng khắp nơi.

“Sống mòn” ở khu tái định cư - 5
Hệ thống bể nước bỏ hoang ở thôn Đồng Tiến, xã Thanh Kỳ

Những tưởng sau bao năm chuyển đến vùng đất mới, người dân sẽ có một cuộc sống mới khởi sắc hơn. Nhưng càng hy vọng người dân càng chán nản.

Nỗi lo căn bệnh thế kỷ

Ngày trước nơi đây gần như không có con nghiện nào. Tuy nhiên từ ngày hình thành khu tái định cư, mọi thứ dường như đã thay đổi. Tình hình nghiện ma túy bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên phức tạp.
 
Theo báo cáo của Công an xã Thanh Kỳ, đến thời điểm này, tại khu tái định cư Đồng Tiến có khoảng 15 đối tượng sử dụng và tiêm chích ma tuý. Tình hình nghiện ma túy còn lan sang các thôn khác khiến cho tình hình an ninh trật tự cũng như cuộc sống của người dân trong xã bất ổn. Đến thời điểm này, xã đã có 10 đối tượng nhiễm HIV và 6 đối tượng nghi nhiễm.

Ông Lê Trọng Thìn, thôn Đồng Tiến, bố của 2 đứa con đã chết vì HIV, rơm rớm nước mắt: “Chúng nó chết đi để lại cho tôi 5 đứa cháu và 2 đứa con dâu ốm đau suốt. Tôi giờ đã tuổi cao không biết có thể lo cho chúng được bao lâu nữa”.

 
“Sống mòn” ở khu tái định cư - 6
Trẻ em nơi đây phần lớn học hết cấp 2 là nghỉ học
 
Ông Lưu Đình Thực, Chủ tịch UBND xã Thanh Kỳ chia sẻ: “Hiện tình hình nghiện mà túy và HIV ở địa phương tương đối phức tạp. Chúng tôi đang rất cần sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng để địa phương ổn định đời sống cho bà con. Địa phương cũng đang chỉ đạo các ban ngành đoàn thể tích cực tuyên truyền trong nhân dân để nâng cao ý thứ tự bảo vệ mình trước căn bệnh thế kỷ”.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: “Hiện tượng nghiện ma túy và nhiễm HIV chủ yếu là từ nơi ở cũ đến. Sau khi người dân về đây, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, trung tâm y tế xuống tuyên truyền cho người dân hiểu. Về công tác xóa mù chữ, chúng tôi cũng tiến hành tổ chức dạy chữ cho bà con, nếu ai có điều kiện mà chưa biết chữ thì đi học thêm. Đây là dự án của tỉnh, nên những vấn đề bất cập trong quá trình lập quy hoạch hay triển khai thì chúng tôi phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Vấn đề nước nôi thì mùa khô hạn mới thiếu. Tới đây chúng tôi sẽ khảo sát lại toàn bộ thực trạng tại khu tái định cư để báo cáo tỉnh”.

Duy Tuyên - Tuấn Nguyễn