Hà Tĩnh:

"Sống mòn" bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Xuân Sinh

(Dân trí) - Dự án từng được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội trong khu vực, thế nhưng suốt 10 năm qua, hàng nghìn hộ dân ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phải "sống mòn" bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Đi không được, ở cũng không xong

Sống mòn bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 1

Toàn cảnh Dự án Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Sau 3 năm triển khai rầm rộ, giờ đây Dự án Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) - mỏ sắt được đánh giá có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á rơi vào tình cảnh án binh bất động. Dự án chưa biết trước tương lai này đang khiến hàng ngàn hộ dân thuộc diện phải giải tỏa sống trong tâm trạng bất an.

Bà Lê Thị Lương (60 tuổi, trú tại thôn Thanh Long, xã Đỉnh Bàn) cho biết, trước đây đất sản xuất nông nghiệp trong vùng rất màu mỡ nhưng giờ cằn cỗi. Theo bà Lương, để xảy ra hiện tượng này là do quá trình khai thác, hút nước trước đây của dự án làm tụt mạch nước ngầm dẫn tới bị sa mạc hóa đất đai trong vùng.

Sống mòn bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 2

Bà Lê Thị Lương lo lắng khi đất đai ngày càng cằn cỗi, sa mạc hóa.

"Từ khi dự án khởi công rồi lại "đắp chiếu", cuộc sống của những người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi không được sửa sang, cơ nới nhà cửa. Nhiều trường hợp muốn thế chấp sổ đỏ để lấy tiền làm ăn cũng không được vì ngân hàng trả lời đang nằm trong diện giải tỏa của dự án", bà Lương chia sẻ.

Ông Hồ Hoàng Huệ (78 tuổi, thôn Thanh Long, xã Đỉnh Bàn) chia sẻ, khai thác dự án có thể có lợi cho Nhà nước nhưng dự án "đắp chiếu" quá lâu làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Sống mòn bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 3

Bể lọc nước của người dân thôn Thanh Long chỉ một thời gian ngắn là bị đọng lại một lớp cặn màu vàng.

"Cái khổ nhất của người dân sống trong khu vực này là nước bị nhiễm phèn, phải xây bể lọc nhưng cũng chỉ để giặt giũ, tắm rửa, còn nước dùng để nấu ăn thì phải đi mua. Việc dừng hay triển khai dự án là việc của các cấp chính quyền nhưng cần cân nhắc và có quyết định sớm để người dân an tâm", ông Hồ Hoàng Huệ nói.

Gia đình anh Nguyễn Hữu Thành (27 tuổi, trú thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc) sống cách mỏ sắt 5km, được quy hoạch di dời từ năm 2007. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn không tiến triển khiến cuộc sống gia đình anh Thành gặp không ít khó khăn.

Căn nhà rộng hơn 120 m2 của gia đình anh Thành là nơi sinh sống của 12 người, nằm trên mảnh đất 500m2 nhiều năm qua chưa được cấp bìa đỏ, nên gia đình cũng không dám xây thêm công trình mới.

"12 người với nhiều thế hệ sống trong một căn nhà rộng 120 m2 rất bất tiện, nhất là sinh hoạt hằng ngày", anh Thành chia sẻ và cho biết hai vợ chồng từng bàn đến việc chuyển đi nơi khác ở, song không có tiền.

Sớm quyết định "số phận" dự án để ổn định cuộc sống nhân dân

Sống mòn bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 4
Sống mòn bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 5

Nhiều máy móc phương tiện phục vụ dự án đã hư hỏng.

Ông Phạm Công Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết, trên địa bàn có 3 thôn với 700 hộ thuộc diện quy hoạch phải di dời để thực hiện dự án mỏ sắt. "Việc dự án dừng giữa chừng ảnh hưởng đến công tác xây dựng nông thôn mới. Nhiều dự án phục vụ nhu cầu nhân dân không được đầu tư, ảnh hưởng đến quy hoạch của địa phương", ông Phạm Công Tùng cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, việc dự án "đắp chiếu" nhiều năm qua không chỉ ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương mà còn khiến người dân gặp nhiều thiệt thòi, nhất là tư tưởng không ổn định.

"Các hộ nằm trong quy hoạch không được cấp đất, còn đất chưa có sổ đỏ thì cũng không được làm. Chính vì thế, có nhiều gia đình có từ 2-3 thế hệ cùng chung sống trong một nhà. 3 năm gần đây tỉnh có cho phép người dân được sửa sang lại nhà cửa nhưng nhiều người dân vẫn lo lắng", ông Tùng nói.

Sống mòn bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 6

Những phần quặng sắt sau khi được khai thác vẫn nằm ngổn ngang trong dự án.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, tỉnh từng lên kế hoạch di dời gần 4.000 hộ dân vùng bãi ngang thuộc 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà đến khu tái định cư để nhường đất cho dự án. Thế nhưng, 15 năm qua, chỉ hơn 100 hộ được chuyển đi nơi khác. Hơn 4.800 ha đất dự kiến sử dụng chỉ mới giải phóng được 839 ha.

"Vướng quy hoạch và việc thu hồi diện tích đất lớn đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và làm kinh tế các xã vùng bãi ngang thụt lùi, nhiều việc bị đình trệ. Địa phương mong Trung ương sớm có quyết định về dự án để dân ổn định cuộc sống", ông Sáu nói.

Mới đây tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đề xuất Trung ương xem xét chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Văn bản do ông Trần Tiến Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký nêu rõ, căn cứ Thông báo kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh hết sức thận trọng, khách quan, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện và nhất quán quan điểm chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, trong văn bản góp ý dự thảo phương án xử lý tổ hợp dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê mới đây nhất trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án trước tháng 5/2021.

Theo ông Trần Việt Hà, khu vực nằm trong dự án mỏ sắt Thạch Khê có điều kiện chuyển đổi sang làm du lịch vì có vùng biển đẹp, quỹ đất lớn. "Khi chấm dứt dự án, chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều đơn vị vào đầu tư ngành công nghiệp không khói thay thế cho công nghiệp khai khoáng", ông Trần Việt Hà nói.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 6 xã ven biển gồm: Thạch Khê, Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), với tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821 ha.

Mỏ có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án đầu tư Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Dự án mỏ sắt Thạch Khê) do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm.

Việc khai thác dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 5.000 hộ dân, sẽ phải di dời khoảng 4.000 hộ dân. Tính đến nay, tổng diện tích đã GPMB là 830 ha và thực hiện di dời 113 hộ dân.

Tháng 9/2009, Hà Tĩnh đã tổ chức lễ khởi công dự án. Dự án triển khai được 3 năm thì dừng lại đến nay.