Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng cho dừng triển khai mỏ sắt lớn nhất ĐNA

(Dân trí) - Thông tin trên được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo trước toàn thể đại biểu dự kỳ họp thứ 8 khóa XVII HĐND tỉnh Hà Tĩnh vào sáng ngày 11/12.


Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng cho dừng triển khai mỏ sắt lớn nhất ĐNA - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII sẽ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng của tỉnh này.

Báo cáo trước toàn thể đại biểu dự cuộc họp được đài truyền hình, truyền thanh địa phương tường thuật trực tiếp tới người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Đặng Quốc Khánh cho hay, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đến nay đã tạm dừng được gần 10 năm kể từ ngày khởi công bóc đất tầng phủ. Trong khoảng thời gian trên, dự án đã phát sinh rất nhiều hệ lụy do quá trình triển khai thời gian qua còn nhiều bất cập; các điều kiện tái khởi động dự án chưa bảo đảm yêu cầu, chưa phù hợp với chủ trương tại Thông báo kết luận số 72-TB/TW của Bộ Chính trị.

Dự án ngưng trệ đã ảnh hưởng nặng nề tới định hướng phát triển của tỉnh, đời sống nhân dân vùng dự án gặp nhiều khó khăn.

Với quy mô, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, tính chất phức tạp khi khai thác, đòi hỏi phải hết sức thận trọng trước khi khởi động lại dự án và lựa chọn nhà đầu tư.

Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng cho dừng triển khai mỏ sắt lớn nhất ĐNA - Ảnh 2.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đến nay đã tạm dừng được gần 10 năm kể từ ngày khởi công bóc đất tầng phủ.

“UBND tỉnh đã triển khai thực hiện nhất quán chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với dự án, có văn bản chính thức báo cáo làm việc với các bộ, ngành liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 14/11/2018 Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có Văn bản số 8123/BKHĐT-KTCN báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thống nhất quan điểm như tỉnh Hà Tĩnh là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định dừng triển khai (kết thúc) thực hiện dự án”- thông tin được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo trước toàn thể cán bộ cốt cán của tỉnh dự kỳ họp HĐND của tỉnh. 

Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng cho dừng triển khai mỏ sắt lớn nhất ĐNA - Ảnh 3.

Quặng sắt Thạch Khê đã lộ thiên, tuy nhiên việc biến mỏ quặng thành này có nguồn thu phục vụ đất nước, Hà Tĩnh là bài toán khó.

 

Trước đó, vào sáng 24/1/2018, trong chuyến thăm, tặng quà một số gia đình chính sách, hộ nghèo và nói chuyện với cán bộ, nhân dân thôn Thượng Hải, xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do dự án khai thác sắt Thạch Khê dở dang gây ra) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ những khó khăn, hệ lụy mà nhân dân ở đây cũng như các xã vùng bị ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê gánh chịu trong thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội nói: “Chúng ta đang có nguồn tài nguyên rất lớn nằm trong lòng đất chưa khai thác được, nhưng chúng ta cũng có nguồn tài nguyên “nổi” rất đẹp, rất hoang sơ nhưng chưa được khai thác, đó là biển Thạch Hải. Tôi được biết, tỉnh đã có báo cáo với Chính phủ về giải quyết tình hình khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Theo tôi, để cho Thạch Hải nói riêng và Thạch Hà nói chung phát triển thì có lẽ chúng ta sẽ tạm thời để tài nguyên trong lòng đất và sẽ khai thác tiềm năng về biển”.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh là dự án chế biến, khai thác khoáng sản lớn được Bộ Chính trị đồng ý, Chính phủ giao cho Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê, trong đó Tập đoàn Than Khoáng sản VN (TKV) làm nòng cốt để chủ trì triển khai dự án. Đây là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009.

Dự án có quy mô lên tới 14.517 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 6.777 tỷ, giai đoạn 2 là 7.739 tỷ đồng. Doanh thu cả đời dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hàng năm 0,3 - 1%.

Trong quá trình triển khai, dự án đã bị chậm tiến độ và khó khăn do lo ngại một số nguyên nhân như năng lực tài chính, công nghệ, hiệu quả kinh tế, kể cả vẫn đề môi trường…

Để gỡ khó cho dự án, thời gian qua liên bộ Công Thương - Kế hoạch và Đầu tư cùng với UBND tỉnh Hà Tĩnh và TKV đã có nhiều cố gắng trong việc rà soát đánh giá hiệu quả kinh tế, công nghệ môi trường và các tác động về xã hội đối với dự án. Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát, hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến việc dừng hay tiếp tục thực hiện dự án.

Văn Dũng