1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Sống “mắc kẹt” hàng chục năm trong vùng lõi vườn quốc gia

(Dân trí) - Kể từ ngày Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa) được thành lập, hàng trăm hộ dân sống bao đời trong vùng lõi bỗng nhiên “đói” đất sản xuất bởi tất cả đất đai mà người dân canh tác lâu nay trở thành tài sản “quốc gia” bất khả xâm phạm.

Cuộc sống khốn khổ của người dân sống trong vùng lõi VQG Bến En.

Vườn quốc gia (VQG) Bến En được thành lập năm 1992, nằm trên địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân của tỉnh Thanh Hóa. Sau ngày được thành lập, 9 thôn của 3 xã Tân Bình, Xuân Quỳ và Hóa Quỳ (huyện Như Xuân) nằm gọn trong vùng lõi của VQG.

Theo quy định, 517 hộ dân/2.100 nhân khẩu của 9 thôn này phải di dời khỏi rừng đặc dụng. Thế nhưng, do kinh phí quá lớn tỉnh Thanh Hóa không thực hiện được khiến người dân “đi chẳng được, ở không xong”.

Hàng trăm hộ dân đi không được, ở không xong

Thôn Thanh Bình (xã Tân Bình, huyện Như Xuân) có 97 hộ, sống rải rác vắt qua những sườn đồi chạy quanh lòng hồ của VQG. Hàng chục năm qua người dân không được bố trí đất sản xuất, đất ở không được cấp sổ đỏ khiến cuộc sống rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Ông Lương Văn Hiêm (80 tuổi), trú thôn Thanh Bình, xã Tân Bình cho biết, từ khi sinh ra ông đã sống ở đây, dòng họ của ông cũng sống trên mảnh đất này nhiều đời. Đến năm 1992, Nhà nước quy hoạch VQG Bến En, trong đó có thôn của ông trở thành vùng lõi.

Sống “mắc kẹt” hàng chục năm trong vùng lõi vườn quốc gia - 1
Sống “mắc kẹt” hàng chục năm trong vùng lõi vườn quốc gia - 2

Hàng chục năm qua, người dân ở vùng lõi vườn quốc gia Bến En sống khốn khổ, đi không được, ở không xong.

Ông Hiêm phản ánh, trước kia người dân trong khu vực sống nhờ rừng, nhưng bây giờ thì không còn nữa. Muốn trồng rừng keo, nhưng khi cây lớn cũng không được khai thác. “Nhà tôi có 7 miệng ăn chỉ có 2 sào ruộng tự khai hoang từ các vùng đầm lầy, năm được năm mất mùa vì phụ thuộc vào nước sông Mực lên xuống thất thường. Con cái lớn muốn ra ở riêng cũng không được dựng nhà, khổ lắm” - ông Hiêm buồn rầu.

Anh Lương Văn Thiệp (SN 1971), trú cùng thôn cho biết, rất nhiều hộ gia đình trong thôn Thanh Bình đều sống chung một nỗi khó khăn vất vả mưu sinh như vậy. “Khó khăn nhất là muốn tăng gia sản xuất cũng không có đất. Nuôi trâu, bò cũng không được thả vào rừng vì thuộc đất VQG. Muốn có vốn để sản xuất kinh doanh thì cũng không có gì để tín chấp vay ngân hàng, thật sự khốn khó trăm bề. Cuộc sống trông chờ vào việc ai thuê gì làm nấy. Giờ bà con đang mắc kẹt trong rừng chẳng biết phải sống thế nào, đi cũng chẳng được, ở cũng không xong”.

Ghi nhận thực tế tại các thôn Xuân Đàm (xã Hóa Quỳ) và thôn Xuân Thành, Tân Thành (xã Xuân Quỳ), cuộc sống của người dân tại các vùng này cũng khó khăn, thiếu thốn đủ đường do “đói” đất sản xuất.

Sống “mắc kẹt” hàng chục năm trong vùng lõi vườn quốc gia - 3

Đất đai người dân canh tác hàng chục năm bất ngờ trở thành tài sản "quốc gia" bất khả xâm phạm.

Thậm chí, trước khi chưa có vườn, nhiều hộ dân trồng keo, luồng xen kẽ trên các quả đồi, giờ cây lớn thu hoạch đều bị cấm hết, hộ nào cố tình sẽ bị xử phạt. “Các anh kiểm lâm nói giờ chúng tôi nằm trong VQG nên mọi diện tích đất đai, cây cối đều là tài sản “quốc gia”. Ngay cả đất đồi trống không có cây rừng cũng không được khai phá để trồng cây. Sống trong “rừng vàng” mà khổ thế này thì phải làm sao”- bà Lương Thị Nguyên (xã Tân Bình) than thở.

6 năm triển khai giao đất vẫn chưa thực hiện được!

Ông Lê Hữu Đồng, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, toàn xã có 3.860 ha, trong đó đất VQG là 1.899ha với 3 thôn là Mai Thắng, Thanh Bình, Đức Bình nằm trong vùng lõi VQG, số hộ dân thiếu đất sản xuất và đất ở là 159 hộ.

Nhiều năm qua, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho các hộ sống trong vùng lõi VQG cũng đã dẫn đến những khó khăn cho chính quyền cấp xã trong quản lý hành chính.“Dân thì chúng tôi quản lý, nhưng đất thì thuộc VQG nên khi có hộ vi phạm chúng tôi cũng chẳng biết xử lý thế nào. Thậm chí tại thôn Thanh Bình có địa thế đẹp, thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra một hướng làm ăn mới giúp người dân ổn định. Thế nhưng, giờ chẳng làm được gì, vì bước chân ra khỏi nhà là chạm vào đất rừng đặc dụng, muốn đầu tư lớn thì không có sổ đỏ vay vốn ngân hàng”- ông Đồng cho biết thêm.

Ông Dương Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy Như Xuân xác nhận sự việc trên và cho hay, trước đây khi VQG được thành lập, phương án sẽ di dời toàn bộ dân sinh sống xen kẽ trong rừng ra khu vực mới, giao đất ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, phương án đó sau này không thể thực hiện được do kinh phí di dời quá lớn. Sau này, VQG đã lên phương án ổn định tại chỗ cho 9 thôn vùng lõi bằng cách cắt 368,4 ha đất rừng đặc dụng giao cho dân. Nhiều đoàn của các bộ ngành cũng đã về thẩm tra nhưng tới nay vẫn chưa thấy giao đất cho dân.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc VQG Bến En cho biết, phương án cắt một phần diện tích rừng đặc dụng giao cho dân được triển khai từ năm 2013, thế nhưng do vướng nhiều thủ tục nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

“Năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Thanh Hóa đã chỉ đạo lập 1 đề án riêng. Đến nay, chúng tôi đã làm xong và báo cáo Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT nói cắt rừng đặc dụng là cả 1 vấn đề nên lại chỉ đạo xin ý kiến các ngành, các bộ, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa trình Thủ tướng”- ông Nghị nói.

 Bình Minh