1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

(Dân trí) - Dọc con đường Bạch Đằng người ta dễ dàng nhận ra ông. Ông lão mà sáng nào cũng đẩy chiếc xe bốn bánh cồng kềnh, băng băng đến bệnh viện phát cháo cho bệnh nhân nghèo. Đó là ông Trương Văn Đây, tổ 5, phường Thuận Phước, TP Đà Nẵng.

9 giờ 30, nắng miền Trung chói chang. Chiếc xe vừa lăn vội. Ông Đây lấy chiếc khăn cũ kĩ lau những giọt mồ hôi nhễ nhại ướt sũng cả tấm áo trên lưng. Thân hình gồ ghề, vạm vỡ của ông không khác gì một thanh niên trai tráng, nhưng ông đã bước sang cái tuổi “gần đất xa trời” (68 tuổi).

Ngày nào cũng vậy, dậy từ rất sớm chuẩn bị việc nhà đã hòm hòm, ông Đây lại khăn gói đến công ty cổ phần Đức Mạnh làm trọn nhiệm vụ của mình. Đẩy bếp ăn từ thiện của công ty đến Bệnh viện Đà Nẵng phát cháo miễn phí cho bệnh nhân. Mỗi ngày như vậy ông nhận được 30 ngàn đồng, số tiền nhỏ để góp thêm vào chi phí sinh hoạt cho gia đình. “Về hưu nhưng không muốn mình là gánh nặng của gia đình nên tôi xin làm chân đẩy bếp ăn từ thiện. Làm việc giúp người nghèo, người bệnh đó âu cũng là niềm hạnh phúc khi về già”, ông Đây tâm sự.

Ông trước kia vốn là một công nhân của cảng Đà Nẵng đã về hưu, nhưng cái tính hay làm của anh công nhân ngày nào luôn chảy trong con người ông. Với ông “ngày trước vật lộn bon chen cho cuộc sống gia đình, nay tìm việc gì cho khuây khoả lại có ích cho đời, thế mới là sống”.

Già rồi mà tìm đến cái việc nặng nhọc thì không ai giống ông. “Ngày nào ông chả đẩy xe qua đây. Việc nặng nhọc chẳng để trai tráng nó làm lại mang cái mệt vào thân. Không biết ông đang nghĩ gì nữa. Nắng thế người trẻ còn đi tránh nắng chẳng được nữa là...”, một người tên Hưng bán nước mía sát chân cầu sông Hàn cho biết.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” - 1
 

Nhưng họ đâu biết hết con người ông, với ông khi nào làm việc cũng là hạnh phúc, đặc biệt việc đó lại có ích cho bệnh nhân nghèo. Những con người đang chờ ở bệnh viện - đó là hình ảnh của cuộc sống gia đình ông ngày xưa.

Đó mới chỉ là những hôm trời nắng; trời mưa ông lại đội nón, mặc chiếc áo mưa cũ kĩ đôi chân già lần mò, bì bõm từng bước chậm rãi. Rồi những hôm vì đẩy xe mà té trượt, ông lại cười: “lần sau sẽ không trượt nữa”. Mưa nắng gì thì quãng đường từ công ty đến bệnh viện với ông cũng thật dài và xa. Nhưng không khi nào ông than vãn mà cần cù như bác ong già cần mẫn làm đẹp cho đời. Hơi mệt ông lại tạt xe vào lề đường đứng giải lao, chỉnh sửa lại những nồi cháo nặng trịch, bắt chiếc khăn lên vai cho xe tiếp tục chuyển bánh vì nơi ông đến có bao bệnh nhân đã mang bát trông chờ.

Những bệnh nhân nghèo nhận cháo khuôn mặt rạng ngời nói lời cảm ơn với mấy người phụ nữ làm phần việc phát cháo còn lại của mình, họ không biết đằng sau những bát cháo đó có “hoà” những giọt mồ hôi của một ông già.

Chiếc xe với bếp ăn từ thiện “cập bến” bệnh viện Đà Nẵng, lúc này đã 10 giờ 30. Cái giờ mà “chắc như đinh đóng cột” ông luôn có mặt vì biết khi đó các bệnh nhân cần bát cháo của mình mang đến hơn lúc nào hết. Bếp ăn từ thiện đã đến nơi cần đến, ông lại lặng lẽ lau giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt nhăn nheo, lại bỏ chiếc khăn sờn vắt ngang vai, một cử chỉ của anh công nhân ngày nào, ông sải những bước chân già lết thết về nhà để kịp bữa cơm trưa cùng gia đình, để lại sau lưng những nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân nghèo khi họ được ăn những bát cháo từ thiện còn nóng hổi. Ông lại cười thầm: “Một ngày hạnh phúc nữa của tuổi già trôi qua”. 

Lê Phi