Quảng Nam:
"Sóng đánh ngày đêm như thế này thì chẳng bao lâu mất đất, mất nhà"
(Dân trí) - Hàng trăm mét bờ biển tại TP Hội An, huyện Duy Xuyên ở Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng sau đợt mưa lớn kéo dài, người dân đứng ngồi không yên trong khi mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu.
Hoang mang nhìn bờ biển giờ chỉ còn cách nhà chừng 10m, ông Trương Công Trực (69 tuổi, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho hay, đợt mưa to kéo dài vừa qua kết hợp triều cường dâng cao, sóng đánh mạnh khiến hơn 1km bờ biển tại đây bị xâm thực nghiêm trọng.
"Địa phương đã hỗ trợ bao cát gia cố tạm thời, nhưng sóng cứ đánh ngày đêm thế này thì chẳng bao lâu nữa sẽ mất đất, mất nhà. Người dân mong chính quyền sớm có biện pháp bảo vệ", ông Trực lo lắng.
Cạnh đó, gia đình các ông Trương Công Tuấn, Nguyễn Văn Hai và một số hộ dân khác ở thôn Trung Phường, xã Duy Hải cũng nặng trĩu lo âu trước tình trạng bờ biển bị sạt lở ngày càng gia tăng, giờ chỉ còn cách nhà khoảng 10m.
Xã Duy Hải là một xã bãi ngang ven biển, hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, tình trạng sạt lở lại diễn biến phức tạp. Khu vực đang bị xâm thực, sạt lở kéo dài hơn 2,5km, từ khu vực bến cá An Lương về thôn Trung Phường, ảnh hưởng 380 hộ dân với 1.000 nhân khẩu.
Theo ông Trần Văn Siêm, Phó Chủ tịch xã Duy Hải, tại thôn Trung Phường có 58 hộ dân thuộc diện nguy cơ sạt lở cao. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã di dời 19 hộ vào nơi ở xen ghép và 4 hộ vào khu tái định cư.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 35 hộ dân vẫn ở lại khu vực có nguy cơ sạt lở, trong đó có 16 hộ bị ảnh hưởng liền kề tiếp giáp với đoạn sạt lở.
Ông Siêm cho biết, năm 2018, UBND xã Duy Hải đã bố trí tái định cư cho 16 hộ có nguy cơ cao nhưng một số hộ không đồng thuận vào khu tái định cư. Chính quyền cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc và nhiều lần tới nhà vận động 16 hộ dân đến khu tái định cư. Thế nhưng, chỉ có 5/16 hộ đồng ý đến khu tái định cư, còn 11 hộ vẫn ở đất cũ với nhiều nguyên nhân khác nhau.
"Tình trạng sạt lở tại thôn Trung Phường ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2021 đến nay, bờ biển đã ăn sâu vào đất liền hơn 70m, hiện chỉ còn cách nhà dân khoảng 10m, rất nguy hiểm. Để xây kè cần kinh phí lớn, địa phương đang chờ chủ trương đầu tư, quyết định từ Trung ương và các cấp có thẩm quyền", ông Siêm cho hay.
Tương tự, bờ biển thuộc phường Cẩm An, TP Hội An cũng bị sạt lở hơn 500m trong đợt mưa lớn vừa qua. Dọc bờ biển này, hàng loạt cây phi lao chắn sóng bị bật gốc, nằm ngả nghiêng. Đoạn kè chắn sóng làm bằng tre, cùng hàng trăm bao cát được dựng lên chưa được bao lâu cũng tan hoang.
Ông Lê Văn Biết (67 tuổi, khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An) không giấu được lo lắng bởi ngôi nhà của ông có thể bị sóng đánh sập bất cứ lúc nào.
Theo ông Biết, đêm 14/10, mưa lớn khiến nước biển xâm lấn vào đất liền, lộ rõ một đường vòng cung sâu hơn 10m vào khu dân cư. Nhà ông cũng nằm trong khu vực này.
"Anh em tôi vay mượn 500 triệu đồng làm kè mềm chắn sóng, nhưng giờ cũng bị sóng đe dọa. Chúng tôi mong sớm có đê ngầm chắn sóng như khu vực biển Cửa Đại, để chấm dứt sạt lở tại khu vực này", ông Biết nói.