1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Khai thác khoáng sản tại mỏ Trại Cau - Thái Nguyên:

Sống chung với mìn nổ, đất sụt, nước cạn

(Dân trí) - Một tiếng nổ lớn vang lên, bức tường nhà anh Trịnh Đình Tài bị xé toạc, vì kèo, xà nhà kêu răng rắc, cốc nước trên mặt bàn “nhảy” xuống nền nhà, tiếng trẻ em khóc ré lên… Đó là cảnh cơm bữa của gần 300 người dân sống gần mỏ sắt Trại Cau-Thái Nguyên.

Tính mạng “treo” đầu tiếng mìn

 

Vụ việc xảy ra vào khoảng 12h trưa ngày 24/11, khiến chúng tôi và 287 con người sống tại tổ 1 (Thị trấn Trại Cau) đều hoảng sợ, có cảm giác tính mạng của mình đang bị de dọa nghiêm trọng sau những tiếng nổ mìn của công nhân khai thác mỏ.

 

Ông Nguyễn Xuân Nguyên, tổ phó tổ 1, thị trấn Trại Cau, cùng chứng kiến sự việc cho biết, “việc nổ mìn làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân chúng tôi đã diễn ra từ lâu, chúng tôi cũng đã gửi đơn từ đến các cơ quan chức năng của tỉnh nhưng mọi việc vẫn cứ giậm chân tại chỗ”.

 

Sau tiếng nổ mìn ấy, chúng tôi đi vòng quanh các hộ dân tại tổ 1, nơi nằm cách khu vực khai thác sắt của mỏ Trại Cau - thuộc Cty Gang thép Thái Nguyên, trong vòng bán kính khoảng từ 65m đến 200m, toàn bộ nhà của khoảng 60 hộ dân đều có hiện tượng lún, nứt tường nhà.

 

Riêng nhà của anh Trịnh Đình Tài chỉ nằm cách khu vực khai thác quặng sắt khoảng 65m nên bị ảnh hưởng nặng nhất, tường nhà bị xé toạc, rộng đến 10cm. Lo sợ nhà bị sập, nhiều ngày qua gia đình anh Tài đã phải dựng bạt và chuyển một số đồ đạc, kê giường ra ngủ ngoài sân để phòng trường hợp nhà bị đổ sập.

 

Sống chung với mìn nổ, đất sụt, nước cạn - 1
Sau tiếng nổ mìn tường nhà anh Trịnh Đình Tài bị xé toác ra. 
 

Một cán bộ UBND thị trấn Trại Cau nói, cứ vào khoảng 12h trưa hàng ngày là những công nhân khai thác mỏ lại cho nổ mìn như vậy, nhưng hễ có đoàn đi kiểm tra đến thì sự việc lại khác.

 

Ông Nghiêm Sơn Hà, Phó chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết, “một trong những vấn đề mà chúng tôi quan tâm đó là tính mạng của người dân sống quanh khu vực khai thác mỏ, chúng tôi đã kiến nghị lên cơ quan cấp trên để di dời người dân đi nơi khác, nhưng kiến nghị nhiều mà chưa được giải quyết”.

 

Trao đổi với Dân trí về vấn đề kiểm tra, quản lí vật liệu nổ của Công ty Gang thép Thái Nguyên - đơn vị đang trực tiếp khai thác mỏ sắt Trại Cau, ông Nguyễn Mạnh Tiêu, Phó giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên cho biết, việc quản lí về các “hộ chiếu” nổ mìn đối với Công ty gang thép Thái Nguyên được chúng tôi quản rất chặt chẽ, theo những quy định hết sức nghiêm ngặt nhưng chưa phát hiện ra vi phạm nào. Tuy nhiên, ông Tiêu thừa nhận “việc kiểm tra chỉ thực hiện được trên giấy tờ, sổ sách, còn nếu như những công nhân trực tiếp nổ mìn khai thác mà họ gian lận thì chúng tôi chịu”.

 

Ông Tiêu lấy ví dụ, “lẽ ra trong một ngày, họ nổ một tạ thuốc nổ nhưng chia ra làm nhiều lần thì không vấn đề gì, nhưng một tạ thuốc nổ ấy mà họ chỉ cho nổ một lần thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng”.

 

Sống chung với mìn nổ, đất sụt, nước cạn - 2
Lo sợ nhà sập, gia đình anh Tài đành phải dọn ra sân căng bạt ở tạm.

 

Theo ông Tiêu, “trước đây tại mỏ sắt Trại Cau cũng từng xảy ra một vụ nổ mìn khai thác mỏ làm sập một nhà dân. Chúng tôi đã đi kiểm tra và phát hiện thấy công ty Gang thép Thái Nguyên cho nổ mìn tới 5 tạ thuốc nổ/1ngày. Sau đó chúng tôi đã yêu cầu phía công ty chỉ được phép nổ mìn khoảng từ 1 - 1,5 tạ thuốc nổ/1ngày”.

 

Xung quanh vấn đề quản lí vật liệu nổ và khai thác mỏ sắt Trại Cau, chúng tôi đã đặt một số câu hỏi nhưng ông Tiêu xin “nợ” câu trả lời và hứa sẽ trả lời báo chí trong tuần này. “Hiện tại chúng tôi chưa nhận được sự chỉ đạo nào của UBND tỉnh, nhưng trong tuần này chúng tôi sẽ đi kiểm tra và có kết luận cụ thể”, ông Tiêu nói.

 

Đi bộ 2km để… lấy nước sinh hoạt

 

Việc khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Trại Cau ngoài vấn đề lợi ích kinh tế đem lại cho Thái Nguyên thì không thể không nói tới những tác hại đối với môi trường nước ngầm xung quanh mỏ.

 

Ông Nguyễn Xuân Nguyên, tổ phó tổ 1, thị trấn Trại Cau phản ánh, cả tổ có 62 hộ gia đình, giờ chỉ còn duy nhất 2 gia đình là còn nước sinh hoạt, tất cả các hộ gia đình khác thì giếng nước đều bị cạn sạch từ 2 năm nay.

 

Vừa nói ông Nguyên dẫn chúng tôi đi ra vườn nhà ông, những ống nhựa dùng cho việc lắp đặt giếng khoan vứt lổn nhổn khắp vườn, cách vài mét lại có một miệng ống nhựa chồi lên khỏi mặt đất chừng 10cm, chỉ cần sơ xảy là có thể vấp ngã gãy răng. Ông Nguyên cho biết đấy là những miệng giếng khoan mà nhà ông đã khoan sâu tới 30 - 40m nhưng không có nước, thợ khoan giếng cũng chán, bỏ đi chỗ khác, tiền công thuê thợ khoan giếng thì chủ nhà vẫn phải trả.

 

Rời nhà ông Nguyên, chúng tôi tiếp tục đến một số hộ gia đình khác trong xóm, toàn bộ các giếng khơi được đào sâu trung bình 10m đều đã cạn sạch nước.

 

Bà Nguyễn Thị Lan cho biết, cách đây 2 năm nước giếng sinh hoạt nhà bà hàng ngày bỗng dưng bị “tụt” sạch nước, bà thuê thợ về khoan giếng tới 5 lỗ, nhưng vẫn chẳng tìm thấy giọt nước nào.

 

Sống chung với mìn nổ, đất sụt, nước cạn - 3
 
Giếng nước nhà bà Nguyễn Thị Lan cạn nhăn từ nhiều tháng nay.

 

Thiếu nước sạch sinh hoạt hàng ngày, hàng chục hộ dân tổ 1 đều phải đi bộ gần 2km để xin nước về dùng. Anh Nguyễn Thanh Sơn, phàn nàn, từ 2 năm nay nhà tôi đã phải xin nước sinh hoạt của anh em bên tổ 2 và tổ 4. Cả gia đình có 4 người, hàng ngày dùng tiết kiệm cũng hết tới 10 xô nước, chuyện tắm giặt đối với gia đình vợ con thì càng khó khăn hơn. Vào mùa khô nhà nào cũng thiếu nước trầm trọng, có đợt tới 3 ngày tôi mới dám tắm một lần vì phải tiết kiệm nước.

 

“Chúng tôi kiến nghị lên chính quyền địa phương nhiều rồi nhưng chẳng thấy ăn thua gì. Không biết cuộc sống của người dân chúng tôi còn khổ đến bao giờ”, bà Lan nói.

 

Không chỉ mất nước sinh hoạt, ở khu vực này còn xảy ra tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng.

 

Sống chung với mìn nổ, đất sụt, nước cạn - 4
 
Móng nhà ông Ninh Văn Tính "sụt" theo mạch nước ngầm.

 

Theo biên bản kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thái Nguyên, hiện tượng mất nước giếng sinh hoạt đã xảy ra từ năm 2004 và sụt lún đất diễn ra từ cuối năm 2005 tại khu vực Thác Lạc là do việc khai thác mỏ sắt Trại Cau của Công ty gang thép Thái Nguyên. Tính đến nay việc khai thác khoáng sản tại đây đã âm 6m (- 6m), thấp hơn so với mặt địa hình là 48m.

 

Ông Dương Văn Khanh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên cho hay, “tại kỳ họp HĐND, tôi đã đưa ra chất vấn rất nhiều nhưng mọi việc vẫn vậy”.

 

“Hiện, Công ty này đã khai thác nước ngầm vượt quá 28 lần so với giấy phép của Sở TN&MT cấp, chúng tôi đang xem xét kiến nghị dừng ngay việc khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Trại Cau này lại”, ông Khanh nói.

 

Theo ông Khanh để xảy ra tình trạng nổ mìn, mất nước ngầm gây sụt, lún nhà dân là thuộc trách nhiệm của Sở Công Thương - đơn vị trực tiếp quản lí vấn đề khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Trại Cau.

Bài, ảnh: Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm