Sống “chui” trong trạm điện cũ hơn 30 năm
(Dân trí) - Trú ngụ trong một trạm điện cũ ở phường Phú Hậu, TP Huế là đại gia đình ông Nguyễn Đình Viên (78 tuổi). Nơi được gọi là nhà chỉ đủ kê hai chiếc giường làm chỗ đặt lưng cho 7 người. Mọi sinh hoạt từ tắm giặt, đi vệ sinh đều phải... ra sông Hương.
Thật bất ngờ khi thấy có khách lạ xuất hiện ngay trước cửa bởi đã nhiều năm nay chưa hề có một ai đến thăm gia đình họ. Sau một phút định thần, hai ông bà Nguyễn Đình Viên (78 tuổi) và bà Trương Thị Sen (66 tuổi, trú tổ 5, khu vực 2, phường Phú Hậu - TP Huế) miệng líu ríu mời chúng tôi vào nhà.
Trong nhà không có lấy một chỗ đặt bộ bàn ghế, ông Viên mời chúng tôi ngồi tạm lên giường. Ông cho biết: “Hai vợ chồng tui sinh được 2 trai 1 gái, sau này đứa lớn dựng vợ có thêm 2 cháu nữa thì nhà chật lại càng chật thêm. Mấy lần cả nhà gom góp được một ít tiền muốn cơi nới thêm cho rộng nhưng không được phép”.
Hai người con còn lại của ông bà, một người xin được chỗ ngủ nhờ ở Bệnh viện Mắt gần đó, một người đi làm cả ngày đến tối mới về tìm nơi đặt lưng, không dám lấy vợ vì sợ không có chỗ ngủ!
Hai ông bà đến với nhau vì cùng cảnh ngộ mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Mong muốn con cái sẽ có được cái ăn, cái mặc, được học hành tử tế nên ông bà đã bàn nhau lên vùng kinh tế mới Bình Điền thuộc huyện Hương Trà lập nghiệp.
Do điều kiện sinh sống quá khắc nghiệt nên cả nhà ông chẳng ai thích nghi được, bố mẹ, con cái đều lần lượt ngã bệnh. Được chừng hơn hai năm, ông bà lại phải bồng bế dắt díu nhau về trong cảnh đói rét, không còn nhà cửa. Cái trạm điện, ở gần nơi ở cũ, lâu ngày không sử dụng trở thành nơi trú ngụ cho cả nhà họ từ bấy đến nay.
Có được ít tiền dành dụm được từ Bình Điền về và vay mượn thêm bà con lối xóm, ông Viên quyết định mua chiếc xích lô làm kế sinh nhai, vợ thì đi giặt áo quần hoặc làm mướn thuê kiếm tiền nuôi các con qua ngày.
Bà Sen bộc bạch: “Hai vợ chồng hồi đó làm quần quật cả ngày mà cũng chỉ đủ kiếm được ít khoai, sắn “lấp đầy miệng” lũ nhỏ. Tủi nhất là những lúc Tết đến Xuân về, trong lúc nhà nhà háo hức trang trí lại nhà cửa, mua sắm đồ đạc đón năm mới thì nhà mình không có tiền mua sắm nổi bộ áo quần cho con. Bà con hàng xóm thương tình, người cho cái áo, cái quần, người mang bánh, trái sang cũng “rôm rả” phần nào.
Sau này thằng Cư thay cha nó tiếp tục đạp xích lô chở hàng ở chợ đầu mối, thằng Thành làm “thợ đụng”, con Bê đi bán vé số dạo nhưng cuộc sống gia đình cũng chẳng khá hơn là bao. Hiện nay, để có nước sạch dùng, gia đình phải sang nhà hàng xóm mua với giá 20 lít/1.000 đồng, còn muốn tắm, giặt đều phải ra sông”.
Dù được nằm trong danh sách hơn 40 hộ được xóa nhà tạm của phường Phú Hậu từ năm 2004-2005 đến nay, nhưng gia đình ông Nguyễn Đình Viên chờ mãi vẫn chưa được bố trí nơi ở mới.
Chủ tịch UBND phường Phú Hậu, Mai Chí Minh giải thích: Trước năm 2004, thành phố có chủ trương cho phường tự bố trí đất đai, tạo nơi ăn chốn ở cho các hộ nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống. Sau này thành phố không cho nữa nên địa phương cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí chỗ ở ổn định cho các hộ nghèo trên địa bàn có hoàn cảnh tương tự như gia đình ông Viên.
Trong 2 năm 2005-2006, UBND phường Phú Hậu nhiều lần gửi tờ trình đến Điện lực Thừa Thiên - Huế để cùng nhau phối hợp giúp đỡ gia đình trên (vì trạm điện cũ này vẫn thuộc quyền quản lý của ngành điện lực) nhưng vẫn chưa thấy hồi âm, trong khi trạm điện ngày một xuống cấp.
Quang Ngọc
TTXVN