Sớm đưa Bộ Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vào giảng dạy

TTXVN

(Dân trí) - Ngay sau Lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao hai nước.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith, sáng 11/7, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đến Thủ đô Viêng Chăn bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào. 

Ngay sau Lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao hai nước.  

Sớm đưa Bộ Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vào giảng dạy - 1

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chụp ảnh chung (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm kể từ khi nhậm chức; nhấn mạnh việc Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Lào là nước đầu tiên đi thăm trên cương vị mới thể hiện sự coi trọng mà Đảng, Nhà nước Việt Nam và cá nhân ông đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. 

Về phần mình, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao những thành tựu to lớn và toàn diện mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã giành được trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước và bày tỏ tin tưởng nước bạn Lào sẽ sớm khắc phục được các khó khăn và thách thức, tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội lần thứ XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra và tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XII.

Sớm đưa Bộ Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vào giảng dạy - 2

Chủ tịch nước Tô Lâm và thành viên Đoàn cấp cao Việt Nam tại cuộc hội đàm (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN).

Sau khi thông báo cho nhau về tình hình kinh tế-xã hội tại mỗi nước, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua.

Hai bên tiếp tục thường xuyên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, qua đó giúp tiếp tục duy trì và phát huy quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy ở mức cao nhất.

Hợp tác quốc phòng - an ninh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với vai trò là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.

Hợp tác kinh tế được quan tâm thúc đẩy, trong đó thương mại và đầu tư tiếp tục là điểm sáng; Việt Nam duy trì là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Lào. Đồng thời, hai bên cũng đã nỗ lực tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc một số dự án trọng điểm.

Hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, thể thao, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương, nhất là giữa các tỉnh biên giới tiếp tục được tăng cường, đem lại những lợi ích cụ thể cho người dân hai nước. 

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi tin cậy, chân thành và thẳng thắn về các định hướng, biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác; nhấn mạnh trong bối cảnh tình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp hiện nay, hai nước càng cần tăng cường tham vấn, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua các thách thức, khó khăn; cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.  

Sớm đưa Bộ Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vào giảng dạy - 3

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và Đoàn cấp cao Lào tại cuộc hội đàm (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN).

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định chính sách nhất quán của cả hai nước là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lịch sử truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sớm đưa các nội dung của Bộ Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của mỗi nước; phối hợp xây dựng các công trình và di tích lịch sử về quan hệ Việt Nam - Lào, trong đó có Công viên hữu nghị Lào - Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn. 

Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh trụ cột hợp tác an ninh - quốc phòng để phối hợp đối phó với các thách thức mới; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước; triển khai tốt các thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hai nước.

Phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, nhất là ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, xuất nhập cảnh trái phép.

Tiếp tục phối hợp hiệu quả trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào và tôn tạo các tượng đài liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào. 

Hai bên nhất trí nỗ lực nâng tầm hợp tác kinh tế cho xứng đáng với tầm vóc của quan hệ chính trị; tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, phòng chống tham nhũng; nâng cấp các cửa khẩu quốc tế và đường giao thông kết nối hai nước.

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; nhất trí trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp như hiện nay, hai bên cần tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, phối hợp và hợp tác chặt chẽ trong các diễn đàn khu vực và quốc tế; bảo đảm đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam hết lòng ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công vai trò các trọng trách quốc tế trong năm 2024, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA.  

Tại hội đàm, Chủ tịch nước Tô Lâm đã công bố món quà của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em là 20 xe ô tô điện VinFast để hỗ trợ Lào tổ chức thành công các hoạt động quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2024.  

Sau hội đàm, Lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác gồm:

(i) Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về xây dựng, triển khai hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân tại Lào;

(ii) Hiệp định dẫn độ giữa Bộ Công an Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao của Lào;

(iii) Kế hoạch hợp tác năm 2024 của giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào;

(iv) Thỏa thuận tăng cường kết nối vận tải hàng không Việt Nam - Lào giữa Bộ Công chính và Vận tải Lào và Vietjet; và một số thỏa thuận của các doanh nghiệp hai nước. 

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng nhắc lại lời mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith thăm Việt Nam vào thời gian thuận tiện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã vui vẻ nhận lời.  

Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo cũng dự lễ bấm nút kích hoạt dự án "Triển khai dự án hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân tại CHDCND Lào", một dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ số, Quốc gia số tại Lào và là minh chứng cho tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.