1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sóc Trăng dựng tượng nhà nông học Lương Định Của

(Dân trí) - Để tri ân công lao của nhà nông học Lương Định Của, người đã có nhiều đóng góp cho ngành Nông nghiệp Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng đã dựng tượng đài nhà nông học lừng danh này.

Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành việc tạc dựng tượng đài nhà nông học Lương Định Của - người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng, người đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Sóc Trăng dựng tượng nhà nông học Lương Định Của - 1

Toàn cảnh tượng đài nhà nông học Lương Định Của ở công viên 30/4 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).

Theo đó, tượng đài có bệ và đế cao 2,5m, tượng chính cao 6m bằng đá granit, khắc họa dáng đứng ung dung, vẻ mặt thanh thản hướng về phía trước, tay ôm bó lúa, thành quả bao năm nghiên cứu của nhà nông học Lương Định Của.

Đây là công trình góp phần tạo diện mạo mới cho TP Sóc Trăng, cũng là nơi sinh hoạt vui chơi, giải trí của người dân và tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội tiêu biểu của tỉnh.

Được biết, tổng vốn đầu tư xây dựng công trình này là 8,5 tỷ đồng, từ nguồn xổ số kiến thiết.

Sóc Trăng dựng tượng nhà nông học Lương Định Của - 2

Tượng nhà nông học Lương Định Của.

Nhà nông học Lương Định Của (SN 1920) quê làng Đại Ngãi, quận Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

Ông từng sang Nhật Bản, thi vào Khoa Sinh vật thực nghiệm chuyên ngành trồng trọt tại Đại học Quốc lập Kyushu.

Năm 1951, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nông học Khoa di truyền chọn giống, với đề tài “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới”. Ông được Hội đồng khoa học của trường nhất trí trao bằng Bác sĩ nông học. Đây là học vị cao nhất lúc bấy giờ được trao cho người nước ngoài duy nhất và trẻ nhất của Nhật Bản từ thời Minh Trị Thiên Hoàng.

Sau đó, ông cùng gia đình về Việt Nam đóng góp công sức xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp của đất nước.

Tháng 9/1956 đến năm 1962, ông được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm, giảng dạy di truyền giống. Từ 1963 - 1967, ông giữ cương vị là Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp. Từ năm 1968 đến khi mất (28/12/1975), ông giữ cương vị là Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

Ông có đóng góp to lớn cho phong trào 5 tấn lúa/ha, sau đó là 10 tấn/ha; góp phần tăng năng suất và sản lượng lúa giúp cho hậu phương miền Bắc cung cấp lương thực cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sau này.

Trước những công lao to lớn, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (năm 1967), truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (1996);…

Năm 2006, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã lập Giải thưởng Lương Định Của để hằng năm trao tặng cho những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Hiện, ở tỉnh Sóc Trăng có nhà tưởng niệm nhà nông học Lương Định Của tại trung tâm thị trấn Long Phú, huyện Long Phú.

Cao Xuân Lương