1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sở Xây dựng Hà Nội vẫn đề xuất lắp đặt nhà vệ sinh tiền tỷ

(Dân trí) - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, đã giao Ban quản lý chỉnh trang đô thị chuẩn bị đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng với kinh phí đầu từ 15 tỷ đồng trong năm 2014.

Nhà vệ sinh tiền tỷ là cần thiết!

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND thành phố về quản lý duy trì và đầu tư xây dựng mới nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn trong năm 2014. Theo Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn thành phố có tổng cộng 340 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có 236 nhà được xây cố định phân bổ chủ yếu tập trung ở ngõ xóm, phục vụ nhân dân trong các khu tập thể cũ. Hà Nội cũng có 104 nhà vệ sinh bằng thép được phân bổ chủ yếu tại các nơi công cộng, vui chơi giải trí, điểm chờ xét buýt…

Kế hoạch năm 2014, Sở Xây dựng vẫn xây 14 nhà vệ sinh tiền tỷ
Kế hoạch năm 2014, Sở Xây dựng vẫn xây 14 nhà vệ sinh tiền tỷ

Dự kiến của Sở Xây dựng trong năm 2014 sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ 10 nhà vệ sinh bằng thép, nguồn kinh phí được đưa vào kinh phí đặt hàng của Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long.

Kế hoạch năm 2014, Sở Xây dựng giao Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội chuẩn bị đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép tại 14 địa điểm đã được UBND các quận, huyện thống nhất các vị trí để đầu tư xây dựng. Kinh phí đầu tư xây 14 nhà vệ sinh này là 15 tỷ đồng.

Từ thực tế, Sở Xây dựng cho biết, việc lắp đặt nhà vệ sinh vẫn cần thiết để phục vụ nhân dân đặc biệt tại các vườn hoa, công viên, nơi công cộng (bến xe, nhà ga, trung tâm thương mại), các trục đường phố chính của đô thị, các tuyến đường vành đai…

Đi ngược chính sách tiết kiệm của thành phố?

Đầu tháng 11/2013, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký quyết định cho phép đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép trong đó loại 2 buồng gồm 10 nhà; loại 4 buồng gồm 4 nhà với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15 tỷ đồng lấy từ ngân sách.

Trước ý kiến của dư luận cho rằng đầu tư hơn 1 tỷ cho 1 nhà vệ sinh công cộng là quá lãng phí, ngày 22/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã giao Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở ngành và quận huyện rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng để khai thác, sử dụng hiệu quả nhất. Các đơn vị trên cũng phải lập kế hoạch tổng thể đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố, nhất là tại địa bàn các quận nội đô, trình UBND thành phố xem xét phê duyệt trong năm 2013.

Trên cơ sở đó từng bước đầu tư theo quy hoạch và khả năng ngân sách, ưu tiên khuyến khích xã hội hóa. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, việc đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, công khai, minh bạch và tiết kiệm, tránh lãng phí.

Ngay sau đó, Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá lại quy trình lập dự trù kinh phí và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt Thành ủy Hà Nội yêu cầu điều chỉnh quy mô vốn theo hướng tiết kiệm, cắt giảm những chi phí không hợp lý, tăng cường sử dụng các vật liệu phổ thông, không đắt tiền. Đối với những nơi không cần thiết làm nhà vệ sinh kiên cố thì lắp đặt các nhà vệ sinh di động.

Quang Phong