1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sở Tư pháp Hà Nội lên tiếng vụ công chứng viên bỏ sót người thừa kế

Thế Kha

(Dân trí) - Dù đề nghị công an làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái của công chứng viên Vũ Nam, Văn phòng công chứng Nguyễn Lâm nhưng Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội nói không thể xử phạt vì… "hết thời hiệu".

Liên quan vụ việc công chứng viên Vũ Nam thực hiện chứng nhận 2 văn bản khai nhận di sản thừa kế bỏ sót người thừa kế là ông B.V.L (trú ở Hà Nội) mà Dân trí phản ánh, Sở Tư pháp Hà Nội cho biết Văn phòng công chứng Nguyễn Lâm đã có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh quận Hoàng Mai, Phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội), các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn để thông tin cụ thể.

Văn phòng công chứng Nguyễn Lâm đề nghị dừng giao dịch, đăng ký biến động đất đai của ông B.N.M (Hà Nội); ngăn chặn thực hiện hợp đồng, giao dịch của ông M. đối với các thửa đất liên quan.

Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã yêu cầu Văn phòng công chứng có ý kiến đề nghị tòa án xem xét giá trị pháp lý đối với 2 văn bản khai nhận di sản thừa kế số 4878/VBKNDS, 4879/VBKNDS, quyển số 01/2021 ngày 14/12/2021 theo quy định pháp luật.

Sở Tư pháp Hà Nội lên tiếng vụ công chứng viên bỏ sót người thừa kế - 1

Văn phòng công chứng Nguyễn Lâm (Ảnh: Pháp luật VN).

Hành vi của công chứng viên Vũ Nam vi phạm Nghị định 82/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, thi hành án dân sự; hình thức xử phạt từ 10-15 triệu đồng và phạt bổ sung tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 1-3 tháng.

Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp, thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Do vậy, Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội không tiến hành xử phạt. Văn phòng công chứng đã thực hiện khắc phục hậu quả bằng văn bản thông báo đến các tổ chức, cá nhân như trên.

Mặc dù ông Vũ Nam giải trình do "chủ quan, không kiểm tra kỹ hồ sơ và cam đoan vi phạm do lỗi vô ý, không có sự cấu kết, thông đồng" nhưng Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng tài liệu trong hồ sơ công chứng thể hiện rõ có người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ 2 là ông B.V.L.

Sở Tư pháp Hà Nội nhận định công chứng viên đã vi phạm trình tự, thủ tục công chứng, cho thấy có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội giao Phòng Bổ trợ tư pháp tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm, thiếu sót của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn.

Cơ quan này đã chuyển kết luận vụ việc tới Công an TP Hà Nội để điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Hàng thừa kế thứ hai

Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định thứ tự như sau:

- Hàng thừa kế  thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.