1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Số phận những đứa trẻ miền rừng có cha mẹ chết bằng lá ngón (2)

Những năm tháng gắn bó với Cao Bằng, tôi không làm sao quên được những cái chết “khó tin nhưng có thật” về lá ngón.

Số phận những đứa trẻ miền rừng có cha mẹ chết bằng lá ngón (2)
 
Trưởng Công an huyện Bảo Lâm - anh Trọng - có lần thở dài: Họ rủ nhau chết cùng lúc, cả 2 cùng ăn lá ngón với lời trăng trối chôn chung 1 mộ. Thế mới lạ.

Anh Nông Văn Đài - Chủ tịch UBND xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc - đưa tôi đến tận bản Khâu Pầu, vào tận khu nhà và khu mộ của cặp đôi “Romeo và Juliet của rẻo cao Việt Nam”: Lầu A Ngài B sinh năm 1978 (bản có nhiều người tên Ngài, nên phải đặt A, B, C), và vợ là Lầu Thị Vừ ở cái nhà tranh kia, hôm ấy 2 người hục hặc vài câu.

A Ngài bỏ đi chơi, ở nhà Vừ nghĩ uất hận, ra đầu nhà bứt 1 nắm lá ngón ăn nhem nhẻm. Lá này còn được gọi là “đoạn trường thảo”, ăn vào là đứt ruột, máu trào ra thất khiếu, chết trong kinh hoàng.

Có nơi bà con quan niệm, muốn chết vào tháng 1 thì ăn 1 lá, muốn tháng 10 thì ăn 10 lá, trước khi ăn mà thêm hạt muối hay chén rượu “dẫn thuốc” nữa thì có giời cứu. Vừ chết theo cách mà chị hiểu là được lên thiên đàng êm ái. Cả bản vài nóc nhà, mỗi nhà cách nhau cả quả đồi mênh mông. Nhưng xã, bản cũng làm
tang rất kịp thời, trịnh trọng.

Bởi riêng Khâu Pầu, nửa năm 2013 đã có tới 3 người chết vì ăn lá ngón. Thấy Ngài bực dọc từ hôm vợ chết, anh em họ hàng, cán bộ xã bản cũng đã có ý khuyên răn, theo dõi. Lúc chôn vợ xong, mồ yên mả đẹp, đúng ngày thứ 4 kể từ khi Mào Thị Vừ chết, thì tang lễ được cử hành linh đình nhất, đầy đủ nghi lễ nhất, coi như buổi chính thức tiễn Vừ về cõi “bách tuế vân du thiên thu vĩnh biệt”.

Chắc A Ngài B nghĩ: Đến buổi nay là mình lo cho Nàng chu tất mọi nhẽ rồi. Giờ là lúc theo nàng đi để cùng nhau “vân giá phiêu phiêu”. A Ngài chạy lên đỉnh núi, ăn cả nắm lá ngón. Miệng còn xanh lè lá ngón hai bên mép, cơn đau chưa kịp bắt đầu, A Ngài B đã chạy băng băng về bản, chạy ra đầu nhà, nằm úp trên mộ vợ. Ý rằng, ta phải về kịp để chết bằng được trên mộ Mào Thị Vừ vợ ta.

Tương tự như vậy, hôm đi phỏng vấn anh Hoàng Văn Tinh - Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm bên cạnh, tôi nghe anh nói nhiều trường hợp kinh dị hơn: Có gia đình ở trên một quả đồi, lần lượt 5 người cùng ăn lá ngón tự tử. Có anh chồng “lăng loàn” nay gái này mai gái khác, đẻ một đàn con với vợ trẻ, rồi ném chúng ở ngoài cái chuồng trâu đã… sập.

Tôi và bà Hoàng Thị Bình, Đại biểu Quốc hội lúc bấy giờ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng đi trao nhà từ thiện cho Hoàng Thị Trơ ấy mà giờ lòng vẫn đau buốt. Mấy cái cột nhà chơ lơ trên nền trời, nhà lá sụp hết, một tấm prô-ximăng gác lên cái cột, tạo thành chỗ rúc vào cho 3 mẹ con nhà ấy.

 Trơ chưa đầy 30 tuổi, trẻ lắm. Đám trẻ ở trong hang đất bẩn thỉu, trần truồng như người rừng. Đặc biệt, máy ảnh và máy quay của chúng tôi cứ nhẫn tâm ghi lại hình ảnh thằng bé con của Trơ ở trần truồng, bẩn thỉu, chổng mông tím tái tróc lở lên trời rồi thò miệng vục xuống ăn 1 mớ bã rượu nấu bằng củ sắn nát bét rải trên lá chuối.

Xin lỗi, nó ăn không theo cách con người ta vẫn ăn... Chúng tôi giằng nó ra, nó lại xông vào và ăn theo lối đó. Đến giờ tôi vẫn không lý giải được cái cách ăn vục mặt xuống lá chuối rải ra bìa rừng đó của cậu bé, clip nhẫn tâm đó tôi vẫn giữ, chưa bao giờ cho ai xem. Ngôi nhà trị giá 20 triệu mà chúng tôi trao tiền cho chính quyền địa phương xây có thay đổi được số phận hẩm hiu của mẹ con Trơ không? Câu trả lời là: Không! Bố nó khỏe mạnh lắm.

Nếu bố nó chán mẹ nó, muốn lấy các bà vợ khác thì cũng đừng làm như vậy với lũ trẻ chứ? Bố nó nghĩ gì khi bỏ đi bạc bẽo và vô đạo như vậy nhỉ?

Tôi muốn viết thư cho mẹ của Hoàng A Nó và một số bậc phụ huynh khác!

Ở gần bản của cháu Hoàng Thị Mũ còn có những trường hợp xót xa hơn nữa. Hôm ấy, nhà báo Hoài Phương đưa tôi vào gặp các cháu ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Trước đó, tôi đã viết về số phận các cháu ở trong xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm. Hoàng A Nó và 3 người chị gái của cậu bé (gồm Hoàng Thị Sài, Hoàng Thị Sềnh, Hoàng Thị Trừ) bỗng dưng mồ côi bố rồi bị bà mẹ bỏ rơi đàn con một cách tệ bạc nhất.

Nhà cháy, bố nó bực mình tự tử. Mẹ nó nhìn lũ con trứng gà trứng vịt bốc đất, bốc cát ăn, chả biết thị nghĩ sao, bèn theo 1 ông khác đi sang bản bên sinh sống như vợ chồng. Khốn khổ thay, chồng mới của mẹ cháu Hoàng A Nó cũng có vợ vừa tự tử vì… ăn lá ngón. Lãnh đạo xã tổ chức lễ trao tiền của chúng tôi đem đến cho 5 anh chị em cháu Hoàng A Nó trong vách lều liêu xiêu, rồi  thở dài: “Chắc là họ (mẹ của Nó và người tình) yêu nhau quá thì mới làm thế, vớ!”.

Khi chúng tôi đến, Hoàng Thị Trâư và đàn con ở trong ngôi nhà thế này đây!

Khi chúng tôi đến, Hoàng Thị Trâư và đàn con ở trong ngôi nhà thế này đây!


Tình yêu, nó là cái gì? Dù nó là cái gì đi nữa, thì nó cũng không bao giờ là cái thứ mà 1 bà mẹ có thể rứt ruột bỏ 5 đứa con bé tẻo teo như thế trong đất cát, đói nghèo, thất học để “sướng cái thân” ở một nơi khác! Nơi ấy nào có xa xôi gì, ngay bản bên, có khi Nó đi xuống chợ xin ăn, vẫn gặp mẹ nó đi cùng giai mới thênh thang.

Cả mấy anh chị em nhà Nó khổ sở mãi, rồi cán bộ địa phương cũng làm hồ sơ, gửi vài đứa ra Trung tâm Bảo trợ xã hội. Trung tâm ấy nhân đạo thật đấy, nhưng không thể để những ông bố bà mẹ dửng dưng ném con mình vào địa ngục của sự đen bạc, vô cảm, của đói khát bơ vơ rồi đẩy cả trách nhiệm đó cho xã hội kiểu như mẹ của Hoàng A Nó được.

Giá mà tôi có thể viết cho cô nàng mẹ của Nó 1 lá thư, phân trần lẽ thiệt hơn ở đời và cái lẽ “đầu xanh có tội tình gì” kia.

Gần đây, ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chúng tôi còn gặp những cậu bé rất ngoan, đa cảm và học giỏi, như Hoàng A Thành, cùng người Bảo Lạc. Thành đang được các cô chú ở trung tâm gửi theo học lớp 9 ở trường Thị Xuân, thành phố Cao Bằng. Năm vừa rồi, Thành có điểm tổng kết trung bình là 8,7, nhưng đôi mắt Thành lúc nào cũng buồn bã, gương mặt tủi sầu, bởi bố mẹ cậu bé đã tự tử bằng lá ngón, để lại 3 anh chị em. Bơ vơ lưu lạc, Thành phải ra với trung tâm từ năm cấp 1.

Tôi kể cho Thành nghe, vừa rồi vào xã xa xôi Thạch Lâm của huyện Bảo Lâm, chú và nhà báo Lầu Hải, chàng trai Mông vừa quay phim vừa làm đạo diễn ở Đài Cao Bằng lại gặp 1 cặp “Romeo và Juliet đồng rừng” kỳ lạ nữa. Hầu Vẹ Vạnh ở xã Thạch Lâm giận vợ, vợ anh ta cũng giận anh ta, thế là cả 2 cùng ăn lá ngón, cùng chết trong 1 dịp đưa tang.

Người ngậm cười hay ngậm khóc ở chín suối thì đã đành một nhẽ, nhưng 3 đứa con (Hầu Văn Quân, Hầu Văn Quý và Hầu Thị Troong đều chưa đầy 10 tuổi) của họ thì có tội tình gì? Chúng bơ vơ như nai con lạc đàn giữa rừng hoang đầy chông gai, cạm bẫy. Bản của Vạnh không có đường xe máy, cứ đi bộ, cứ đói nghèo truyền kiếp. Lũ trẻ ở với ông bác nhưng bác cũng nghèo không thể cưu mang. Xã lại lập hồ sơ đem ra trung tâm bảo trợ xã hội.

Chuyện nhà Vạnh sao giống chuyện nhà cháu Thành thế? Giống ở sự mù quáng, vô trách nhiệm của người lớn. Chính bố mẹ Vạnh đã đẩy đám con ngơ ngác của mình vào vòng xoáy chua xót với sự tổn thương tinh thần suốt đời. Họ chết đi thì nỗi đau của đám trẻ họ rứt ruột đẻ ra mới chỉ bắt đầu. Nhiều ông bố bà mẹ khác bỏ đi theo giai, theo gái, theo những toan tính ích kỷ của họ - thì đám trẻ bơ bơ, nỗi đau, sự thất vọng về các đấng sinh thành của các cháu bắt đầu được mở ra theo từng năm tháng.

Mồ côi, cầu bơ cầu bất, vật vạ ở đợ, ăn nhờ... Nếu các cháu tha thứ cho bố mẹ bạc nghĩa bạc tình của mình kiểu “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, thì chúng ta khen các cháu bao dung và biết nghĩ đến điều. Nhưng đằng sau sự bao dung đó là sự mù quáng, sự thiếu hiểu biết, sự ích kỷ và tàn nhẫn của cha mẹ chúng, thì có ai hiểu và lên án, ngăn chặn hay không?

Có ai bắt đầu nghĩ cách để làm sao xã hội không còn vướng phải những cái chết, những sự rứt áo ra đi vừa đáng thương hại vừa đáng oán thán kia không?
 
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao Động