Số phận những đứa trẻ miền rừng có cha mẹ chết bằng lá ngón
Trong những lần đi điền dã rồi làm từ thiện mê mải ở vùng cao phía bắc Việt Nam, tôi luôn bị giày vò bởi hình ảnh những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi trong đói nghèo, lạc hậu, trong tuyệt vọng đến tăm tối.
Trẻ em là những thiên thần nhỏ, là búp non “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Chúng tôi cho tiền, gửi các em vào trong trung tâm bảo trợ xã hội, thậm chí đem các cháu về tận Hà Nội để cậy nhờ, bao bọc.
Tuy nhiên, còn đó những câu hỏi thảng thốt hơn, nhức buốt hơn: Rằng, bố mẹ, người thân của các cháu đâu mà để cháu bơ vơ như gà con lạc bầy cho người dưng nước lã cạy vạy lo toan thế này? Có cái tình nào hơn được tình mẫu tử và tình phụ tử (?!).
Và câu trả lời là: (ngoài những trường hợp bất khả kháng) Bố mẹ các cháu đã rất nhiều khi vô trách nhiệm, đã mê muội tột cùng, đã ích kỷ và hư đốn đến thảm thương, để rồi họ vô tình hay hữu ý quăng các cháu vào chồng chất khổ đau từ lúc miệng còn hơi sữa. “Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi” đã phải đối mặt với bao nhiêu đoạn trường của kiếp phận làm người bị ruột thịt bỏ rơi.
Nhà báo Tạ Hoài Phương và đàn trẻ nhỏ đông đúc mà chị đã “thu gom” từ các chuyến công tác, làm hồ sơ gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Cao Bằng. Nhiều cháu, bố mẹ rủ nhau chết cùng lúc. Nhiều cháu, bố hoặc mẹ chết, lập tức người còn lại bỏ đi theo “bạn tình”, để lại lũ trẻ bơ vơ. |
Đầu xanh có tội tình gì?
Tôi chỉ xin kể chuyện của 2 huyện xa xôi tỉnh Cao Bằng là Bảo Lâm và Bảo Lạc, để thấy tần suất và tỉ lệ rất cao: Các ông bố bà mẹ ăn lá ngón tự tử như Romeo và Juliet trong tình sử Tây phương, bỏ lại con đàn con đống đói rạc đói rài trong nỗi khốn khổ tột cùng để đi theo giai, theo gái… Số lượng ấy nhiều đến mức nào? Ai lại để họ thỏa sức đẻ rồi quăng những “đầu xanh có tội tình gì” đó cho xã hội?
Chắc dư luận còn nhớ rõ trường hợp của cháu bé Hoàng Thị Mũ, ở bản Nà Ca, thị trấn Pác Miều của huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Chỗ ấy đi một khúc đường nữa, vượt dòng sông Gâm, men theo Nho Quế là sang đến Mèo Vạc với đỉnh Mã Pí Lèng tứ thời ủ trong mây mù hoang liêu. Từ tỉnh lỵ Cao Bằng đi đến Nà Ca thì còn xa hơn, lâu hơn, tốn kém hơn cả việc dọc đường thiên lý về tận thủ đô Hà Nội.
Cháu Mũ đang học lớp 3 thì bỗng dưng vào tháng 10.2010, mưa lũ dâng cao, lũ bùn lũ ống lũ quét gì đó, Mũ chẳng biết nữa. Chỉ biết là Mũ bị trời cướp mất mẹ và đứa em vĩnh viễn 4 tuổi của Mũ. Thi thể mẹ cháu người ta tìm mãi mới thấy. Mẹ chết, bố thì lươn khươn rượu chè, nghe đồn còn theo gái lăng nhăng hết “mường trên bản dưới”.
Mũ 9 tuổi đã phải ở trong túp lều rách nát, tự tay nấu nướng, giặt giũ, xin ăn, mớm bình sữa “nuôi bộ”, chăm bẵm hai đứa em! Một đứa trẻ 9 tuổi ở thành phố, tôi dám chắc là từ ăn uống đến rửa đít gội đầu đều phải do bố mẹ, ông bà hoặc người giúp việc quán xuyến.
Nhưng Mũ thì làm tất. Đặc biệt, cháu còn làm một kỳ tích nữa: Hằng ngày theo học lớp 3 ở xa nhà, không có ai trông hai em, Mũ địu em theo, bế em vào lớp học. Vừa học bài ê a vừa trông em chu đáo như một… bà mẹ trẻ. Câu chuyện này được phát hiện đầu tiên, cách đây gần 3 năm, bởi nhà báo Tạ Hoài Phương, “bà chủ” của chuyên mục “Thắp sáng niềm tin” rất rất được yêu thích của Đài PTTH Cao Bằng. Có đến ngót trăm nhân vật của Hoài Phương đã gây thổn thức trong lòng người xem truyền hình ở Cao Bằng.
Ở một đài tỉnh còn nhiều khó khăn, nhuận bút mỗi chuyên mục chỉ vài trăm nghìn đồng, vẫn hằng ngày tự lái… xe máy đi quay phim ở bản thấp bản cao, thế mà mỗi nhân vật của Hoài Phương và cộng sự, có khi được bà con quyên góp tới cả trăm triệu đồng để “thắp sáng niềm tin”.
Cháu Hoàng Thị Mũ sau khi xuất hiện trên đài tỉnh, các báo trung ương ầm ỹ vào cuộc, một thống kê cách đây 2 năm được đăng tải trên báo đã cho thấy, các nhà hảo tâm đã giúp cháu Mũ và đàn em tới 900 triệu đồng! Học sinh của cả trường được hưởng cái lòng tốt từ muôn phương đó.
Và mỗi lần trở lại Bảo Lâm, tôi lại thầm hỏi: Liệu có ai trong chúng ta thắc mắc rằng, bố đẻ của cháu Mũ bỏ đi chơi bời rượu chè thế, có đáng trách không? Nếu không có các nhà hảo tâm, liệu ông bố ấy có bớt dặt dẹo để về “chăm sóc 3 đứa con”, “hưởng lợi” từ số phận bi thương của 3 chị em “bảo mẫu 9 tuổi Hoàng Thị Mũ” như bây giờ không?
Lá ngón đã đưa rất nhiều cặp vợ chồng vào nằm chung một nấm mộ.
Vừa rồi, nhà báo Hoài Phương còn đưa tôi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng để gặp đến cả chục cháu bé mà Phương đã kỳ công kêu gọi tài trợ, rồi kỳ công nhờ làm hồ sơ “tác động chính sách” để các cháu ra với nơi “được Nhà nước nuôi ăn ở học hành”. Các cháu vây lấy “bá” (bác) Phương.
Cô gái trẻ Sầm Kim Huế - Phó Giám đốc Trung tâm - buồn bã bảo: Niềm vui “tụ hội” với bá Phương ở đây của các cháu, cũng là 1 nỗi buồn khi nghĩ về các câu chuyện xã hội thê thảm kia. Trung tâm (năm 2013) đang nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 70 cháu mồ côi, không nơi nương tựa, đói nghèo khát chữ ở các vùng quê phải “gửi về” vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Một vụ tự tử bằng lá ngon, các thi thể nằm thê thảm bên bìa rừng. |
Than ôi, chúng tôi cùng giở lại hồ sơ: Bảo Lạc, Bảo Lâm có 70 cháu sống tại TT thì 80% số các cháu có bố, hoặc mẹ, hoặc cả bố mẹ tự tử bằng lá ngón. Những người phụ huynh đó đã chọn cái chết cho yên phận mình, bỏ mặc đàn con thơ dại chết đuối giữa dòng đời!
Hồ sơ có khi ghi rất rõ: Bố mẹ “tự tử bằng lá ngón”, có khi chỉ cụt lủn: “Tự tử”. “Chứ còn tự tử bằng cái gì nữa? Lá ngón mọc kín núi rừng Tây Bắc. Người Mông và nhiều cộng đồng người khác vẫn có quan niệm: Chết vì lá ngón thì dễ được lên thiên đàng hơn cả. Họ có tính tự ái rất cao. Cán bộ xã phổ biến chính sách cũng phải nói nhẹ thôi, kẻo họ sợ hãi, ái ngại mà… nhắm lá ngón.
Cái mà họ gọi là “sĩ diện” cần bảo vệ đó, có khi chỉ đơn giản là cái điện thoại di động đang ỉ eo nghe nhạc bỗng nó bị đen thui màn hình. Ngỡ nó hỏng, cãi nhau, ăn lá ngón cùng chết cả hai vợ chồng. Người nhà đưa tang, cắm thử điện thoại vào ổ điện thì giật mình, nó chỉ bị… hết pin thôi.
Có khi chồng đi chợ huyện, rượu ngô nốc vào, say bí tỉ, lẽ ra vợ cần cầm ô, cầm đuôi ngựa, ngồi che nắng cho chồng trong tiếng ngựa Mông gõ móng cồm cộp. Đằng này cô vợ lại ngúng nguẩy bỏ về nhà. Chồng tỉnh giấc nồng với men say đắng đót vì rượu cồn pha bã sắn, giữa nắng nôi đổ lửa, không thấy vợ đâu, đang uất ức thì thấy trước mắt là màu vàng mê mải của vạt hoa lá ngón. Bứt mấy lá “thăng thiên” cho bõ tức. Chị vợ nghe thấy thế, đau lắm. Làm ma cho chồng chu đáo, rồi hẹn ngày ấy, giờ ấy, chàng nằm đấy, thiếp sẽ ăn lá ngón úp mặt trên mộ chàng cho… chàng bớt giận” - một cán bộ nói.
Và kết quả là gì? Là cả đông đàn dài lũ đám trẻ con bị mồ côi cha mẹ. Vụ bà Nông Thị Lợi ở xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc đào rễ cây lá ngón (nhầm là cây thuốc) về ngâm rượu uống, làm 6 người đàn ông cùng lăn ra chết, cả bản như phủ màu tang. Gần 20 đứa trẻ chịu phận mồ côi, gia đình mất lao động chính, đói lại càng đói hơn, nghèo lại càng nghèo hơn. (còn tiếp)