1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Số phận cặp ngà của voi Khăm Bun

(Dân trí) - Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngỏ ý muốn xin lại cặp ngà của voi Khăm Bun sau khi nó chết. Tuy nhiên, phía Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam không muốn tiêu bản trưng bày lại mang ngà giả.

Xin ngà Khăm Bun làm kỷ niệm!

Cái chết  và chuyện hậu sự của chú voi Khăm Bun đột ngột và gấp gáp đến mức một số lãnh đạo của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn chưa kịp rõ tỏ tường. PV Dân trí có mặt ngay sau khi Khăm Bun trút hơi thở cuối cùng vào chiều ngày 11/8. Lúc đó, chuyện hậu sự của Khăm Bun đang rối bời, bởi việc xử lý một con voi nặng cả tấn không hề đơn giản.

Rất may, do nhận được thông tin “bắn” từ vườn thú Thủ Lệ, lãnh đạo Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam biết tin đã gấp rút xin “nóng” xác voi về để tự làm tiêu bản nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu khoa học cũng như trưng bày ở khu vực dành cho khách tham quan.

Sau khi hội ý chớp nhoáng với lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên đoàn xiếc đã chấp thuận đề nghị từ phía Bảo tàng. Đợi đến chiều tối cùng ngày, khi Trung tâm Giám định Thú y Trung ương hoàn thành thủ tục giám định, xác voi đã được nhanh chóng bốc bằng xe cẩu, chở về Bảo tàng, để nhóm Chế tác Vật mẫu & Thiết kế trưng bày bắt đầu triển khai ngay quá trình tách các phần thịt, xương và da của Khăm Bun.

Số phận cặp ngà của voi Khăm Bun - 1
Khăm Bun khi còn mạnh khỏe. (Ảnh: VFDJ)
 
Nhưng khi được đưa lên ô tô chuyên chở thì phía nhận xác mới phát hiện, phần chân của nó đã đứt lìa khỏi thân. Nguyên do được tìm ra ngay, do các nhân viên giám định cần lấy mẫu bệnh phẩm, nên đã chặt phăng cho tiện.
Cùng đó, theo PGS.TS Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, phía Liên đoàn Xiếc ngỏ ý muốn xin lại cặp ngà của Khăm Bun. Tuy nhiên, đến chiều nay (13/8), ông Lực khẳng định: do vội chở xác Khăm Bun về để tiến hành công tác chuyên môn, nên phía Bảo tàng và Liên đoàn Xiếc vẫn chưa kịp hoàn thành các thủ tục hành chính cần thiết trong công tác bàn giao mẫu vật, đông vật hoang dã.

“Hiện cặp ngà rất đẹp của Khăm Bun vẫn gắn với xương sọ. Chúng tôi dự định sẽ giữ nguyên bản như vậy để đảm bảo tiêu bản Khăm Bun là đồ thật 100%, chứ không muốn phải thay thế vào đó là ngà giả. Nếu bên Liên đoàn có công văn giấy tờ giải  trình rõ lý do, mục đích sử dụng có ngà voi như để làm kỷ niệm, chúng tôi sẽ bàn giao (cho mượn) một cặp ngà khác” - ông Lực nói.

Quá trình “đại phẫu”  Khăm Bun

Sớm hơn so với dự kiến ban đầu, khoảng 21h đêm hôm qua (12/8), ê kíp kỹ thuật phòng Chế tác Vật mẫu & Thiết kế trưng bày đã hoàn tất quá trình lột da voi ra khỏi cơ thể. Để giữ cho bộ da được nguyên vẹn, họ phải dùng loại dụng cụ rất đặc biệt mổ rạch từ phần bụng lột ngược lên trên phía sống lưng. Phần da ở 4 chân thì lại phải lột theo kiểu xuôi từ trên xuống dưới (trong đó có chiếc chân đã bị cắt rời).

“Da voi lột xong phải được ướp ngay với muối trộn phèn trong vòng 5-7 ngày, chờ cứng lại. Tiếp đó, chúng tôi lại dùng dao thật sắc nạo bớt phần mỡ, thịt thừa dính phía bên trong da, nạo phải đều tay để tạo độ mỏng, mịn đều thì sau đó tiêu bản mới ra căng, đẹp. Công đoạn này cũng mất hàng chục ngày. Sau khi đã đạt yêu cầu, bộ da đó lại được ngâm tiếp vào thùng hóa chất chuyên dụng để thuộc và bảo quản. Quá trình này cũng kéo dài cả tháng. Đối với những bộ phận đặc thù không thể lột da như: vòi, tai, đuôi, bàn chân... phải dùng biện pháp tiêm formon trực tiếp để giữ độ nguyên vẹn” - một nhân viên kỹ thuật tiết lộ.

Số phận cặp ngà của voi Khăm Bun - 2
Chuyên gia đang xử lý da Khăm Bun tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Ảnh: VFDJ)

Sau quá trình xử lý da, ê kíp kỹ thuật sẽ tiến hành công đoạn tách riêng thịt, nội tạng và xương của con vật. Do voi bị bệnh nên phần thịt và nội tạng được đem đi chôn cất ngay.

“Bộ xương của Khăm Bun cũng được giữ lại nguyên vẹn để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày trong khu vực khách thăm quan. Muốn bảo quản xương nhất thiết phải tiến hành làm thật sạch bên ngoài (không còn dính thịt), sau đó hút hết tủy bên trong rồi mới đem ngâm trong hóa chất một thời gian. Công đoạn cuối là đem xương đi phơi nắng hoặc sấy khô trong nhiều ngày. Phần não, mắt của voi cũng được lấy ra khỏi sọ, riêng cặp ngà vẫn để nguyên và xử lý hóa chất  theo cách tương tự”- ông Lực cho biết.

Trong quá trình chờ xử lý da voi đạt đến độ yêu cầu, ê kíp chế tác sẽ bắt đầu lên kế hoạch hoàn thiện tiêu bản voi Khăm Bun. Có hai cách để thực hiện, một là dựng lại mô hình bộ khung xương của voi bằng loại khung thép không gỉ, nhồi bông hoặc vật liệu thay thế rồi chùm bộ da và gắn vào đó các bộ phận khác của nó. Cách khác là đúc hình mẫu bằng nhựa composite, bên ngoài khoác da. Tuy nhiên, hình thức đúc nhựa khá tốn kém, nên nhiều khả năng Viện sẽ tiến hành dựng mô hình bằng thép.

"Cho đến khi tiêu bản voi Khăm Bun được hoàn thiện và đưa vào khu trưng bày, chúng tôi phải mất khoảng nửa năm nữa" - ông Lực tính toán.
 
Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm