“Số người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình rất thấp”

(Dân trí) - Đó là đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khi gửi văn bản tới Bộ Tư pháp để chuẩn bị thẩm định dự thảo Nghị định về cai nghiện ma tuý tự nguyện.

Một vụ việc học viên cai nghiện phá phách trung tâm (Ảnh minh hoạ).
Một vụ việc học viên cai nghiện phá phách trung tâm (Ảnh minh hoạ).

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2010-2016 đã thành lập hơn 2.700 Tổ công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Số người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng gần 52.000 lượt người

Nhìn chung công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng đã được các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ công tác cai nghiện để triển khai. Tuy nhiên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết các địa phương phản ánh số người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng đạt rất thấp.

Đối với cai nghiện tại các cơ sở dân lập, tính hết năm 2016, cả nước đã cấp, cấp lại giấy phép cho 22 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập, trong đó 19 cơ sở được cấp phép hoạt động theo mô hình cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe cho người nghiện ma túy; 3 cơ sở được cấp phép hoạt động theo mô hình thực hiện đầy đủ quy trình cai nghiện phục hồi. Không có cơ sở nào chỉ hoạt động theo mô hình giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện.

Đối với cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong giai đoạn 2003 - 2016, các cơ sở cai nghiện của nhà nước đã tổ chức cai nghiện tự nguyện cho khoảng 55.000 lượt người, chiếm gần 67% số lượt người đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, trung bình hàng năm cai nghiện cho khoảng 3.500 lượt người tại 110 cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc có chức năng cai nghiện tự nguyện. Tính đến nay đã có trên 7.000 người tham gia cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện công lập.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng được đánh giá là mang tính hình thức không thực tiễn. Trong khi đó, số lượng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện tại cơ sở dân lập không nhiều, hàng năm vào ít từ 20-60 lượt người nghiện và 12 cơ sở hoạt động ở mức bình thường, hàng năm cắt cơn, giải độc cho trên 100 người nghiện.

Hồ sơ xin đi cai nghiện chưa đơn giản hóa thủ tục, quy trình chưa linh hoạt, vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin. Quy định thời gian cai nghiện ma túy “thực hiện một quy trình tối thiểu 20 ngày; cả quy trình tối thiểu 6 tháng” là chưa linh hoạt.

Việc quy định “khi hết thời gian cai nghiện cấp giấy chứng nhận, bản nhật xét kết quả cai nghiện và gửi cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú” là không thực tế, vô tình không khuyến khích đi cai nghiện tự nguyện và vi phạm nguyên tắc bảo mật.

Chính vì thế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ xây dựng ban hành Nghị định quy định về cai nghiện tự nguyện trong bối cảnh hiện tại là hết sức cần thiết nhằm kịp thời khắc phục, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật về cai nghiện tự nguyện. Trong đó cần đơn giản hóa thủ tục hành chính đi cai nghiện ma túy theo đúng Điều 28 Luật phòng, chống ma túy chỉ cần Đơn xin đi cai nghiện và không cần phải Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận tạm trú dài hạn.

“Không quy định thời gian cai nghiện cứng nhắc là 6-12 tháng phải nội trú tại cơ sở cai nghiện công lập hoặc tối thiểu 20 ngày cơ sở cai nghiện ma túy dân lập, mà quy định theo hướng mở, người nghiện có thể lựa chọn các dịch vụ cai nghiện. Bỏ việc thông báo hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện với UBND cấp xã nơi người đó cứ trú tại Nghị định số 135/2004 và tuân thủ nguyên tắc bảo mật thông tin của người tự nguyện tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện”- Bộ này đề xuất.

Thế Kha