1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sở GTVT Hà Nội trả lời việc bất ngờ mở lại ngã tư bị bịt

(Dân trí) - Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm "bịt ngã tư" trên các tuyến phố Hà Nội để giảm ách tắc giao thông, sáng 1/6, nút giao thông Giảng Võ- Đê La Thành bất ngờ được mở trở lại. Phải chăng giải pháp “bịt ngã tư” phá sản?

Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Thạch Như Sỹ, Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội để làm rõ hơn việc mở lại nút giao thông này.

Việc Sở Giao thông vận tải bỏ hệ thống rào chắn inox, mở lại ngã tư Giảng Võ- Đê La Thành, khiến nhiều người tham gia giao thông  bất ngờ. Xin ông lý giải về quyết định này?

Xin nói rõ, việc bịt hay mở ở các ngã tư là chuyện bình thường. Làm gì để giải quyết được tình trạng ách tắc giao thông thì chúng tôi triển khai. Trên thực tế, ở ngã tư này việc sử dụng hệ thống hàng rào inox là biện pháp nhằm phân luồng rẽ trái ( từ Giảng Võ rẽ sang Đê La Thành). Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng thì biện pháp này chưa thu được hiệu quả như mong muốn nên chúng tôi quyết định thay đổi việc phân luồng trái này bằng biện pháp "mềm".

Cụ thể, hàng rào inox đã được dỡ bỏ. Khi đèn tín hiệu cho phép thì các phương tiện xe máy và xe đạp sẽ được rẽ trái ngay. Tuy nhiên, ô tô thì vẫn phải đi xuống ngã tư phía dưới mới được quay đầu. Các luồng đi thẳng và rẽ phải thì vẫn hoạt động như cũ.

Để tăng cường khả năng báo hiệu, Sở giao thông vận tải đã cho cắm biển cấm rẽ trái đối với ô tô ngay ở đầu ngã tư. Cùng đó, trong những ngày đầu thực hiện, lực lượng cảnh sát giao thông cũng sẽ hướng dẫn đối với các phương tiện. Đèn tín hiệu ở ngã tư cũng sẽ được tính toán thời gian hợp lý hơn. Hiện nay, quy định phạt với hành vi vi phạm đã rất nghiêm nên tôi tin rằng các phương tiện sẽ phải nghiêm túc hơn khi tham gia giao thông.

Sở GTVT Hà Nội trả lời việc bất ngờ mở lại ngã tư bị bịt - 1
Sáng 1/6 ngã tư Láng Hạ- Đê La Thành bất ngờ được dỡ bỏ hàng rào bịt bằng inox. (Ảnh: T.Nguyên)
 
Sau hơn một năm phương án "bịt ngã tư" được triển khai, nay lần đầu tiên một ngã tư lại được mở ra. Phải chăng giải pháp này đã bộc lộ nhiều hạn chế? Có ý kiến lo ngại sáng kiến “bịt ngã tư” có thể bị phá sản?
 
Hãy thử kiểm tra ở những ngã tư khác như: Đại Cồ Việt, toàn bộ đường 6, Khuất Duy Tiến…giải pháp đó vẫn phát huy tác dụng phân luồng giao thông rất tốt. Tất nhiên tôi cũng thừa nhận cũng có những ngã tư như Giảng Võ- Đê La Thành giải pháp bịt lại chưa được như mong muốn thì phải nghiên cứu, cải tiến lại. Mở ngã tư này cũng là cơ sở để so sánh xem phương án nào đạt hiệu quả cao nhất thì đưa vào thực tế thôi.
 
Hàng loạt hàng rào inox được sử dụng để bịt ngã tư. Khoản kinh phí bỏ ra không nhỏ. Sự thay đổi liên tục trong cách quản lý của ngành giao thông liệu có gây tốn kém, lãng phí cho thành phố?
 
Chúng tôi lại đem số hàng rào chắn này dùng cho  khu vực ngã tư cầu Đuống sắp cần tới hoặc những nơi khác nên không có chuyện lãng phí. 
 
 Sắp tới Sở có kế hoạch dỡ bỏ tiếp ngã tư nào nữa không?
Cần một quá trình để theo dõi, kiểm chứng và so sánh xem giải pháp nào thực sự đạt hiệu quả. Sau đó, Sở sẽ có quyết định tiếp theo.
 
 

Từ tháng 4/2009, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phân luồng lại giao thông trên nhiều tuyến phố: dùng dải phân cách di động bịt ngã ba, ngã tư, sau đó mở ngã rẽ mới, cách nút giao cắt cũ chừng 100-200 mét...

Ngay sau đó, đã có tranh chấp về "sáng kiến bịt ngã tư" giữa Sở giao thông thành phố Hà Nội với một kiến trúc sư. Tuy nhiên, trên thực tế, sau một thời gian áp dụng, nhiều ý kiến cho rằng "sáng kiến" này đã bộc lộ những hạn chế nhất định khiến một số ngã tư còn lâm vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng hơn.

 
 
Phạm Thanh (thực hiện)