1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nội:

Người đi bộ “lạc” vì giao thông rối

(Dân trí) - Áp dụng Luật giao thông mới, từ ngày 20/5 tới đây, người đi bộ không đúng quy định sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên với tình hình giao thông như hiện nay, nhiều người đi bộ than “biết không đúng luật vẫn phải đi”.

Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt giao thông đường bộ được áp dụng từ ngày 20/5 sắp tới chỉ rõ: người đi bộ sai quy định sẽ bị xử phạt từ 40.000 - 120.000 đồng (tùy từng lỗi vi phạm). Tuy nhiên, cận kề ngày áp dụng luật, việc đi bộ như thế nào cho đúng Luật giao thông vẫn không nhiều người biết.

Người đi bộ “lạc” vì giao thông rối - 1
Có cầu bộ hành vẫn "liều mình" lao sang đường

Chị Nguyễn Thị Huyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi không biết đi bộ như thế nào gọi là đúng và sai Luật giao thông. Đường xá ở Hà Nội “rối” như tơ vò bởi phương tiện giao thông đi hỗn loạn, vỉa hè thì đa phần bị lấn chiếm, làm gì có có lối nào dành cho người đi bộ, nên muốn sang đường thì cứ “lao” liều thôi...”

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người đi bộ rơi vào cảnh “biết không đúng luật nhưng vẫn phải đi”. Bác Hòa (Khâm Thiên, quận Đống Đa) cho biết: “Tuổi tôi đã cao nên mỗi lần đi bộ qua đường đều rất cẩn thận. Nhưng đi bộ qua đường trên vạch sơn kẻ bây giờ cũng không thực sự an toàn vì nhiều phương tiện “cướp” đường. Thành thử cứ chỗ nào vắng các phương tiện và nhận thấy sang đường được là tôi sang”.
 
Người đi bộ “lạc” vì giao thông rối - 2
Nhiều ngã tư bị bịt kín khiến người đi bộ "ngơ ngác"

Ngoài ra, người đi bộ ở còn bị “rối” bởi gặp phải những khó khăn khác như: không đủ hạ tầng cho người đi bộ, nhiều điểm có vạch kẻ sơn bị mờ, có tuyến đi cả cây số mới có lối dành cho người đi bộ sang đường...

Đơn cử như: giao cắt giữa đường Xuân Thủy - Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng, mặc dù lượng người bộ hành lớn nhưng tại ngã tư này chỉ có phần đường dành cho phương tiện thô sơ, cơ giới lưu thông. Để qua đường ở đây, người đi bộ chỉ còn cách “vừa đi vừa vẫy” để ra hiệu xin đường.
 
Người đi bộ “lạc” vì giao thông rối - 3
Vỉa hè làm nơi để xe, lòng đường làm nơi đi bộ

Chưa hết, kể từ khi Hà Nội “thí điểm” giải pháp chặn ngã ba, ngã tư để phân lại làn, vạch sơn chỉ đường dành cho người đi bộ trở nên vô dụng. Cụ thể tại ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành, người đi bộ như lạc vào “mê hồn trận” giao thông, nhất là giờ cao điểm buổi sáng và chiều, trở nên ngơ ngác giữa ngã tư.

Ông Nguyễn Cường (ở Láng Hạ) than thở: “Lúc chưa bịt ngã tư này dù đường đông nhưng khi có đèn đỏ các phương tiện phải dừng lại, lúc đó người đi bộ sang đường còn đỡ sợ. Bây giờ họ bịt hết các ngã tư, vạch sơn dù có cũng chẳng để làm gì, còn xe cộ thì cứ đua nhau chạy ầm ầm nên người đi bộ chẳng biết lối nào mà lần.... Tôi ủng hộ việc thắt chặt luật lệ giao thông nhưng việc sắp xếp cần hợp lý, nếu không khác nào đánh đố dân”.

 

Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định: Người đi bộ sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40 - 60.000 đồng nếu đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.

Phạt tiền từ 60- 80.000 đồng đối với người đi bộ mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

Phạt tiền từ 80 - 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm