1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sở GTVT Hà Nội đánh giá như thế nào về mô hình G7 taxi?

(Dân trí) - Mới đây, thị trường taxi Hà Nội xuất hiện hãng taxi có tên là “G7 taxi”- đây là hãng taxi truyền thống lớn nhất từ trước đến nay, với khoảng 3.000 xe. Sở GTVT Hà Nội đánh giá, mô hình này rất tốt, đem lại lợi ích cho khách hàng, lái xe và doanh nghiệp.

Sau một thời gian đàm phán, thảo luận, 3 hãng taxi Thành Công, Ba Sao, Sao Hà Nội đã tìm được tiếng nói chung để gia nhập vào G7 taxi. Với mô hình mới của G7 taxi, các hãng gia nhập G7 taxi đều là cổ đông, tham gia vào hội đồng quản trị và được quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Đây là cam kết rõ ràng nhất của G7 taxi với các hãng sáp nhập để đồng hành, bảo vệ lợi ích, hợp tác ổn định lâu dài cùng nhau.

  

Sở GTVT Hà Nội đánh giá như thế nào về mô hình G7 taxi? - Ảnh 1.

G7 taxi chính thức lăn bánh phục vụ hành khách từ tháng 10/2018.

 

Theo các điều khoản ký kết vào chiều ngày 14/8, toàn bộ gần 3.000 xe taxi của 3 hãng taxi Thành Công, Ba Sao, Sao Hà Nội sẽ hoạt động dưới nhận diện thương hiệu và chung một hệ thống điều hành, quản lý của G7 taxi. G7 taxi sẽ chịu trách nhiệm đầu tư phát triển thương hiệu, thị trường và thu phí quản lý thương hiệu của các hãng taxi này.

Đánh giá về mô hình taxi nói trên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, hoạt động của các hãng taxi công nghệ nở rộ nhanh chóng, đến hết năm 2017, trên cả nước đã có khoảng 36.000 xe tham gia loại hình taxi công nghệ Uber/Grab (trong đó tại Hà Nội 16.000 xe, TPHCM khoảng 20.000 xe). Tại Hà Nội có đến 77 hãng taxi, nhưng hãng taxi nhiều xe nhất chỉ có gần 1.000 xe, rất khó để cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ.

Sau khi học tập và tham khảo một số mô hình cạnh tranh với Uber/Grab tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, G7 taxi tại Việt Nam đã ra đời dưới sự hợp tác của 3 hãng taxi tại Hà Nội, cùng sự cam kết đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao thương hiệu và phương pháp phát triển thị trường.

Sở GTVT Hà Nội cho rằng, mô hình taxi này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng, lái xe và doanh nghiệp. Cụ thể, khách hàng sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi sử dụng G7 taxi vì giá cước ổn định (cạnh tranh), độ phủ phương tiện rộng khắp tại Hà Nội và các tỉnh nên gọi xe nhanh chóng và còn biết trước giá cước, lộ trình khi đặt xe qua app... Ngoài ra, khách hàng còn được phục vụ chuyên nghiệp, chế độ chăm sóc, hậu mãi tốt.

“G7 taxi có đường dây nóng giải quyết khiếu nại hoặc hỗ trợ khách hàng 24/7; Có các hình thức thanh toán linh hoạt, các chương trình khuyến mại ưu đãi; Được hưởng các chế độ bảo hiểm trong các trường hợp rủi ro, tai nạn” – Sở GTVT Hà Nội cho biết.

 

Sở GTVT Hà Nội đánh giá như thế nào về mô hình G7 taxi? - Ảnh 2.

 

Sở GTVT Hà Nội đánh giá như thế nào về mô hình G7 taxi? - Ảnh 3.

G7 taxi trở thành thương hiệu taxi lớn với việc sáp nhập 3 hãng taxi.

 

Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, khi tham gia mô hình G7 taxi, cán bộ nhân viên và lái xe sẽ được tham gia đào tạo tập huấn về phục vụ khách hàng, vận hành phương tiện, bổ túc tay lái, các kỹ năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Được các đơn vị thành viên thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật; Độ phủ phương tiện lớn nên sẽ giảm km chạy rỗng, giảm thời gian dừng xe, tiết kiệm chi phí vận hành, tăng hiệu quả kinh doanh, tăng thu nhập. Hình thức điều hành trực tiếp cho 1 xe bất kỳ gần nhất giúp chạy xe an toàn.

Đối với doanh nghiệp, mô hình G7 taxi tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhờ độ phủ của phương tiện, giá cước ổn định - cạnh tranh, quản lý tốt chất lượng dịch vụ; Do độ phủ rộng, thị trường lớn nên sẽ giảm việc chạy rỗng, giảm chi phí điều hành, quản lý, chi phí xăng... qua đó giảm giá thành, giảm giá cước, nâng cao hiệu quả kinh doanh; Do sự hợp tác toàn diện của nhiều công ty, tạo sức mạnh tài chính để phát triển thị trường, phát triển thương hiệu, áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công tác quản lý, điều hành nâng cao chất lượng dịch vụ; Cách thức điều hành mới giảm rủi ro do mất an toàn giao thông, tiết kiệm chi phí cho người lao động, doanh nghiệp và xã hội.

Đánh giá thêm về mô hình taxi này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên cán bộ chỉ đạo vận tải hành khách (Vụ Vận tải – Bộ GTVT) những năm 1980; nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải (Bộ GTVT), người đã có trên 30 năm nghiên cứu về tình hình giao thông đô thị ở Việt Nam - cho rằng: “Việc hợp nhất các đơn vị nhỏ lẻ sẽ tạo sự cạnh tranh mang tính quy mô hơn để đẩy mạnh hoạt động vận tải bằng taxi, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đứng về người sử dụng dịch vụ, điều này đem lại sự tiện lợi, qua đó sẽ tạo được sự cạnh tranh mang tính công bằng, công khai”.

PV