1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Số em gặp khổ

Giữa thung lũng toàn gốc rạ xám xịt dưới chân đèo Ngườm Kim (Thái Cường, Thạch An, Cao Bằng) có một ngôi nhà tranh xiêu vẹo. Trong cảnh chiều tà tĩnh mịch, tiếng đàn tính tẩu ùa ra, giăng mắc trong không gian, giọng nữ trong vắt hắt lên mãi đỉnh trời.

"Số noọng ra p khỏ, phiặc căn dó kha tàng”, anh phóng viên người Tày thảng thốt dịch vội: “Số em số khổ, chia tay nhau ở giữa dở dang con đường”…
 
 Phải nói thật là tôi đã phải rùng mình, khi đi theo tiếng hát, gặp một người đàn bà mù rách rưới, ở một mình, trong căn nhà bốn bề gió thốc, khi cái rét biên thùy đã tím tái khắp nơi nơi. Mù tối, hẩm phận, bạc mệnh, hiu quạnh và đói nghèo hết cỡ, nhưng tâm hồn chị thật sáng, thật lạ.

Cái radio làm la bàn… tìm đường về nhà

Chị tên là Hoàng Thị Hồng Miên, 50 tuổi, thơ chị viết, bài hát chị sáng tác rồi nhờ đứa cháu chép bằng chữ Việt, phiên âm cả tiếng Tày vào cuốn sổ kẻ ô ly, rồi chị còn viết bằng chữ nổi brai nữa, với “bút hiệu” khá mỹ miều: Mộc Miên. Mộc miên là tên gọi khác, tên gọi khá mơ màng của hoa gạo, loài hoa đỏ ối ấy đẹp hay không thì mỗi người mỗi cảm nhận, nhưng có một điều chắc chắn là chị Miên chưa nhìn thấy hoa gạo bao giờ. Chị bị mù từ nhỏ.
Số em gặp khổ  - 1
Người đàn bà mù Hoàng Thị Hồng Miên coi cây đàn tính và các bài thơ của mình là “nơi nương tựa” để sống.

Bài “Số em số khổ” kể về một người bị trời già hành hạ, từ nhỏ đã không biết thế nào là ánh sáng, bố mẹ nghèo, người thì quá già, người thì đã chết; chị phải ra riêng một mình ở một túp lều hoang vắng giữa thung lũng im lìm. Mắt nhìn không thấy gì, vẫn phải đi lên rừng chặt củi về, cõng củi ra chợ bán, phải tự đi gánh nước về luộc ngô lên mà ăn quanh năm để sống. Nhà dột, mưa rét, nhưng không biết trời đổ nước vào ở góc nào, không biết trèo lên mái nhà để lợp lại. Phải làm tất cả, leo núi, bổ củi, đi bán củi... dưới sự dẫn đường của một cây gậy dò dẫm.

Chị Miên đã từng có những giây phút hạnh phúc khi chị hoài thai rồi sinh con, dù chị chẳng có chồng. Mảnh tình vá víu cùng anh bộ đội đóng trên địa bàn mang cho chị con gái Hoài Thơm. Nhưng Hoài Thơm bị não úng thủy chết từ khi mới 7 tháng tuổi. Chị và chị gái Hoàng Thị Pen (sinh năm 1951, cũng mù như chị) chẳng còn cách nào khác là ăn bám bố mẹ già.

Cách đây 7 năm, bố già và chết; bà mẹ 85 tuổi rồi, cũng không còn sức lao động nữa, cả nhà trông vào hạt lúa củ khoai do vợ chồng người anh trai tên là Pảo cáng đáng. Ông anh này đầu óc hơi “ngơ” (mất trí), sức yếu lẻo khẻo, lại thêm bà chị dâu ghê gớm, đấy là chưa kể họ quá nghèo, cái nghèo nó lấn át bớt thương yêu đi - thế là họ bóng gió bảo hai người mù tịt (Miên và Pen) dựng hai cái lều ra đầu bản mà ở riêng.

Hằng ngày, chị tự tin cầm gậy, khoác dao đi lên rừng chặt củi. Chặt chậm rãi, bó củi, vác củi dè dặt, bởi nhỡ một cái thì tay mình lại chém cụt tay mình, nhỡ một cái là ngã xuống vực, là chết. Nơi hoang vu này, làm gì có ai trông thấy mà cứu. Chúng tôi chứng kiến cảnh chị Miên vác bao ngô từ gầm giường ra ven đường nhựa, bắt xe ôtô khách đi mấy chục cây số xuống tận thị trấn Đông Khê bán, mà không tin vào mắt mình nữa. Dường như, người mù họ làm những cái việc của người sáng mắt bằng một thứ ánh sáng khác, thứ ánh sáng do các vị thiên sứ chiếu rọi vậy.

Chị cười hồn nhiên: “Làm mãi rồi quen, nếu cứ ngồi ước ao mình sáng mắt như người khác, thì chỉ có nước nhảy xuống ao tự tử thôi. Phải biết rằng, mình đã mù, trọn cả đời sống trong bóng tối, phải đi chặt củi, đi gánh nước, đi bẻ ngô, làm cỏ lúa, đi bán tăm mỗi ngày cuốc bộ 20km... để mà sống. chị Miên nói chậm mà rất triết lý. Hình như chị quên mất rằng ruộng ngô khô ron kia gồ ghề lắm, đi giày thể thao mà chúng tôi vẫn vấp ngã, trong khi chị mù bẩm sinh, mù tuyệt đối. Có lần nhìn chị làm cỏ lúa, tôi cứ chăm chú xem chị có tưởng lúa là cỏ mà vặt nó đi không. Ai ngờ, đôi tay chị có mắt.

Khi chúng tôi muốn tặng một món quà kỷ niệm, chị Miên bảo: Nhà báo làm ở đài, hôm nào tặng chị cái đài. Chị hay bị mất phương hướng, lúc chặt củi, lúc bẻ ngô, cái khó nhất là biết định hướng nhà mình ở đâu, bó củi mình để ở đâu để... tìm về. Tìm ra hướng rồi thì cây gậy sẽ dò ra lối đi được. “Lúc đầu chị nuôi hai đứa con của cô em gái (cô này bỏ chồng). Con Hoa, con Nhung (hai đứa nhỏ) cứ đứng đó gọi chị về, nhưng giờ thì chúng nó đi lấy chồng cả rồi. Chị chợt nghĩ ra, nếu có một cái đài đang đọc thơ, đang hát các bài hát, thì chị sẽ theo tiếng của nhà đài mà tìm về chỗ bó củi, chỗ nhà mình được” - chị Miên nói. ai nấy trong chúng tôi nghe xong, cùng giật mình. Một ước mơ giản dị, một sự sáng tạo đầy lạc quan của người đàn bà mù trong căn lều hoang vắng. Hôm nay chúng tôi đến, tặng chị chút tiền, cây đàn tính và cái radio.

Sống nương theo tiếng đàn

Phóng viên Đàm Trình của Đài PTTH Cao Bằng đem cái radio của nhà báo Triệu Thị Mai tặng cho chị Miên xong, nhìn ngôi nhà trống huênh gió thốc, lại nhìn cảnh chị Miên đem cái đài ra ruộng, che chắn cho nó như lợp mái cho ngôi nhà của mình (đề phòng trời mưa đài sẽ hỏng), anh Trình rơm rớm nước mắt. Anh Trình cũng là người Tày, cũng ở nước non Cao Bằng này... Quay cảnh chị Miên chặt củi trên rừng, chị tự mò mẫm đi hái rau ngải đắng ở ven suối rồi trở về lần mò nấu nướng, ngồi một mình một mâm, lúc đầu Đàm Trình ngạc nhiên, bái phục bà chị mù tháo vát; nhưng, dần dà, càng ngẫm anh càng thấy đau. Củi giờ cũng hết, rừng giao cho từng hộ khoanh nuôi toàn bộ, suối cạn, rau ngải cũng trụi theo mùa hanh hao, chị Miên đành ngồi ăn cơm nhão bỏ vài hạt muối vào. Ngày chỉ nấu một lần, ăn hai bữa, bữa nóng, bữa nguội. Năm mươi tuổi đầu, nửa thế kỷ không trông thấy một tị ti ánh sáng, dường như cuộc sống của chị Miên trôi theo kiểu cho nó đoạn tháng qua ngày.
Số em gặp khổ  - 2
Chị Miên và ngôi nhà rách nát gượng đứng một mình trong thung lũng vắng. Ảnh: Đ.D.H

Nhưng không phải thế, có gắn bó thì người ta mới có thể hiểu, chị Miên sống rất lạc quan. Vừa lẩn mẩn cầm gậy dò dẫm ra vườn hái rau cỏ về nấu bữa trưa, chị Miên vừa hát. Chị nhờ hàng xóm đi xin cho một quả bầu to, phơi khô, rồi nhờ người chế tác cây đàn tính mới. Kẻo cái cây cũ hỏng rồi.

Cây đàn đó là do một anh thợ mộc đến làm nhà cho bố mẹ chị Miên tặng cho chị, lúc ấy chị mới 14 tuổi đầu. Anh ấy ở xã bên, thấy em Miên đêm nào cũng theo bố đánh đàn, hát theo chúng bạn vài lần là thuộc cả một bài, nhí nhảnh đáng yêu quá, anh mới gọt một quả bầu, chế tác cây đàn làm quà. “Không phải tình yêu đâu, chỉ thích nhau thôi”, nhớ lại ngày đó, chị Miên cười hạnh phúc. Mắt chị chưa nhìn thấy anh ấy, chưa nhìn thấy cây đàn, nhưng mấy chục năm qua, chị luôn tin là cả anh ấy và cây đàn đều rất đẹp. Sau này, yêu anh Dũng (quê ở Thái Nguyên, người đã sinh con với chị Miên), chị cũng thấy anh Dũng đẹp, đứa con gái Hoài Thơm vĩnh viễn bảy tháng tuổi với bệnh não úng thủy của chị lại càng đẹp.

Khi “chồng” ra đi, con gái chết, chị Miên bắt đầu hát những bài buồn thảm. Khi ông Điện, nhà ở xã Vân Trình bên cạnh đi làm Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện, về căn nhà nát của chị Miên để vận động chị sinh hoạt hội, học chữ nổi brai, chị Miên vui như ruộng ngô nứt nẻ gặp mưa rào. Chị học và sáng tác bằng chữ nổi. Vừa cắp rá sang hàng xóm vay gạo, vay ngô về ăn, vừa rúc xuống gậm giường cho mưa khỏi hắt vào người giữa đêm đen miền đá tai mèo lạnh buốt, chị Miên vừa tự sưởi ấm mình bằng thơ và nhạc. Chị đem theo thơ và nhạc đi bán tăm khắp nơi, bước chân chị đến đâu, danh sách các bài thơ chữ nổi lại có cơ hội dài ra đến đó.

Tại “Liên hoan tiếng hát từ trái tim đến trái tim” dành cho người mù toàn tỉnh Cao Bằng năm 2004, chị Miên hát bài “Ba Bể PÐ tiên” lí lơi lắm, rồi đàn tính của chị ngọt lịm cả khán trường, ai nấy lặng đi; bỗng, chị Miên bật khóc giữa chừng, hôm ấy, bố già của chị vừa chết vài ngày. Chị đoạt giải ba. Rồi các dịp liên hoan ca nhạc khác của người mù, như dịp tổ chức ở Hòa An vừa rồi, chị Miên lại đoạt giải quán quân. Chị thong dong thả tiếng đàn tính vào đêm trường hẩm phận của những người bạn mù khắp nơi, rồi hát với đủ “Bài hát của người (mù) bán tăm”; rồi cả cái bài rất thời sự “Mìa thán phua kin lảo” (vợ trách chồng nghiện ma túy hư thân). Nhiều bài trong số đó, do chị tự sáng tác.

Có lần đi học nghề làm nấm (dành cho hội viên người mù), trong đoàn chị và một người đàn ông khiếm thị khác đã cảm mến nhau, cái tình nặng lắm nhưng chị không dám đi thêm một bước nào về phía ấy, bởi, rồi anh ấy cũng phải xuống xe giữa chừng để về với vợ con. Nghĩ đến đấy, chị Miên khóc, làm bài thơ rồi hát “Phiặc căn dó kha tàng” (chia tay giữa dọc đường). Bài ấy, gửi lên đài Cao Bằng, ai ngờ được phát thanh viên đọc lên sóng toàn tỉnh, giọng cô phát thanh viên cứ trong ngần như khí trời dưới chân đèo Ngườm Kim lúc tinh sương. Anh ấy ở tít huyện Phục Hòa cũng nghe được, có bắn tin cảm ơn “thi sĩ Mộc Miên”.

“Phận mù như mình, cũng lắm người chạm chân đá gót lắm. Nhưng họ ghé vào căn nhà trống giữa đồng hoang này, họ toàn người lang thang, kiểu anh bán thuốc dạo, chị chả dám theo ai” - chị Miên buông cây đàn tính, thở dài. Buông lời, buông tay khách, chị Miên đi ra phía cái radio đang hát giữa khung sân rậm rịt toàn cỏ dại. Rồi chị vào bếp, xòe diêm, chuẩn bị nấu cơm. Chị vẫn thắp đèn dầu, ngôi nhà ấy chưa bao giờ có bóng điện. Mà người mù cô quả như chị, thì cần điện sáng để làm gì cơ chứ?

Theo Đỗ Doãn Hoàng
Báo Lao Động