1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Số cây xanh bị chặt hàng năm ở Huế chỉ đếm trên đầu ngón tay

(Dân trí) - Chia sẻ trước kế hoạch đốn hạ 6.700 cây xanh trong thành phố của Hà Nội, mà nay UBND TP này đã tạm dừng để xem xét, nghiên cứu lại, ông Nguyễn Cẩn, Giám đốc Công viên Cây xanh thành phố Huế khẳng định, người ta hoàn toàn có thể chọn phương án khác để bảo tồn giá trị của cây xanh trong thành phố, đơn giản cây xanh là một tài sản vô giá. .


Huế là thành phố di sản, hệ thống cây xanh trong thành phố Huế từ hàng chục năm nay luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát triển các giá trị lịch sử, văn hóa, mà nói cụ thể nhất là từ chính quyền UBND thành phố cho đến mỗi người dân đều yêu cây như chính máu thịt của mình, ông Nguyễn Cẩn khẳng định với PV Dân trí.
 
Ở Huế, không ai chặt cây điên rồ như vậy
Giám đốc Công viên cây xanh thành phố Huế Nguyễn Cẩn khẳng định, cây xanh là tài sản vô giá, cần được bảo tồn, gìn giữ bằng mọi cách

“Ông có thể cho biết các giá trị đó là gì ?

Ở Huế hiện có khoảng 63.000 cây xanh với chừng 60 chủng loại khác nhau, đó là những cây thuộc sự quản lý của chính quyền, không tính cây xanh nằm trong khuôn viên nhà dân. Tính trung bình đầu người thì mỗi người dân Huế được thụ hưởng khoảng 12,7m2 cây xanh.

Ở Huế có những con đường, hàng cây đã đi vào thi ca, nhạc họa, mà cụ thể như “đường phượng bay mù không lối vào” trong bài hát Mưa hồng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay đường “chợ Đông Ba khi mình qua, lá me bay la đà” của nhạc sỹ Minh Ký, lời thơ Tôn Nữ Thụy Khương. Nhiều người nhầm tưởng đường phượng bay là đường Đoàn Thị Điểm bên bờ Bắc sông Hương, nhưng chính xác đường phượng bay là đường Lê Duẩn với 252 cây phượng, trong đó có nhiều cây có đường kính từ 0,6 đến 1m với tuổi đời ngót ngét hơn nửa thế kỷ. Còn đường “lá me bay la đà” không phải ở chợ Đông Ba, mà là đường Phạm Ngũ Lao. Chỉ tiếc rằng đường Phạm Ngũ Lão giờ không còn cây me nào nữa vì đây hiện trở thành khu phố Tây, không có lề đường nên cây me cũ bị mất đi và chúng tôi cũng không trồng được cây mới trên tuyến đường này vì không còn vỉa hè hai bên.
 
Ở Huế, không ai chặt cây điên rồ như vậy
Con đường phượng bay trong bài hát Mưa hồng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là đường Lê Duẩn hiện vẫn giữ nguyên vẹn với 252 cây phượng vĩ

Huế là thành phố di sản, nên nhiều cây xanh của Huế cũng được chúng tôi gọi là cây di sản, vì giá trị văn hóa, lịch sử, tuổi đời của chính cây đó để lại xuyên suốt quá trình lịch sử. Huế hiện có một cây được công nhận là cây di sản là cây bao báp ở đường Mai Thúc Loan, và chúng tôi cũng đang đệ trình công nhận cây di sản với một số cây nữa như cây hoa gạo ở góc đường Lê Duẫn, đối diện cầu Dã Viên; cây ngọc lan có đường kính hơn 1m ở nhà vườn Thủy Xuân, cây vàng anh ở khu vực Phu Văn Lâu, cây ngô đồng trong Đại Nội…

Rất dễ nhìn thấy trên mỗi cây xanh của Huế đều được đánh số và gọi tên, việc này Huế đã triển khai từ năm nào ?

Chính xác là từ năm 2014 chúng tôi mới hoàn thành việc đánh số, gọi tên cho từng cây xanh trên mỗi tuyến đường. Để có được kết quả đó là cả một sự chuẩn bị từ rất lâu trước đó. Bây giờ, mỗi con đường ở Huế đều có hẳn một cuốn sổ lý lịch của từng cây, từ chủng loại, tuổi đời, đường kính cho đến các chi tiết kỹ thuật như cây đang bị sâu bệnh gì, dễ bị bệnh gì, đã được cắt tỉa thời gian nào, khả năng gãy đổ trong mùa mưa bão ra sao…
 
Ở Huế, không ai chặt cây điên rồ như vậy
Mỗi cây xanh ở Huế đều đã được định danh và đánh số. Có tất cả 63.000 cây xanh với 60 chủng loại khác nhau.

Huế năm nào cũng gánh ít nhất một, hai trận bão. Có những trận bão to như năm 1985, năm 1999, rất nhiều cây xanh đã bị đổ, buộc chúng tôi phải đốn hạ và thay thế cây khác. Trường hợp bất khả kháng thì chúng tôi mới phải đốn hạ và thay thế cây khác, còn nếu vẫn giữ được thì chúng tôi tìm mọi cách để gìn giữ. Nên nhớ rằng, mỗi cây cổ thụ là vô giá, hủy hoại nó là một sự mất mát lớn không gì bù đắp được. Tôi có xem một số cây ở Hà Nội bị đốn hạ, và tôi cảm thấy rất tiếc, vì đó là những cây lẽ ra không nên đốn hạ, thậm chí phải bảo tồn bằng mọi giá. Chỉ tiếc là, trong vấn đề này tùy quan điểm vào mỗi chính quyền thành phố, và quan trọng nhất là khi ứng xử với cây xanh người ta đặt tiêu chí gì lên đầu, có muốn giữ hay không mà thôi.

Ông đánh giá ra sao nếu Hà Nội vẫn quyết tâm chặt 6.700 cây xanh và thay thế những cây khác ?

Ở Huế, không ai chặt cây xanh như vậy, triệt hạ hàng loạt như vậy. Nói thật để đốn hạ một cây xanh ở Huế phải qua rất nhiều quy trình. Trung tâm của chúng tôi chỉ có nhiệm vụ chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh, còn việc chặt hạ phải do quyết định từ UBND thành phố. Đầu tiên là Trung tâm Công viên cây xanh phải khảo sát thực tế, tìm ra nguyên nhân cụ thể đối với việc cần phải loại bỏ cây đó, như do bão làm gãy đổ, do sâu bệnh, mục ruỗng hoặc do phải cải tạo đường xá… Từ tờ trình của Trung tâm thì UBND thành phố mới thành lập hội đồng, gồm Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài chính Quy hoạch và Trung tâm Công viên cây xanh để thực hiện công việc đốn hạ này.

Với mỗi con đường, chúng tôi luôn tôn trọng những cây xanh đã tồn tại ở đó, và nếu phải thay thế thì chúng tôi cũng sẽ lấy chủng loại cây chiếm đa số trên tuyến đường đó thể thay thế. Huế là thành phố di sản nên cũng có thuận lợi là ít phải mở rộng đường sá, vì vậy cây xanh cũng ít bị ảnh hưởng. Tính ra, trung bình mỗi năm phải đốn hạ, thay thế cây xanh chúng tôi có thể đếm số lượng trên đầu ngón tay, chứ không đốn hạ, thay thế có con số kinh khủng như Hà Nội.
 
Một trong 3 cây gạo cổ thụ tuyệt đẹp đối diện chân cầu Dã Viên ở Huế
Một trong 3 cây gạo cổ thụ tuyệt đẹp đối diện chân cầu Dã Viên ở Huế

Những cây chuông vàng nở hoa vàng rực tại trụ sở Hội đồng Nhân dân TP Huế
Những cây chuông vàng nở hoa vàng rực tại trụ sở Hội đồng Nhân dân TP Huế

Sở dĩ chúng tôi rất ít phải đốn hạ cây xanh, là vì công tác chăm sóc cây được làm bằng một quy trình tỷ mỷ, cẩn thận, đầy đủ các yếu tố khoa học, kỹ thuật trong công tác này, từ việc cắt tán, hạ độ cao cho những cây có khả năng cao bị gãy đổ, bật gốc trong mùa mưa bão cho đến việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, làm cỏ xung quanh gốc, quét vôi quanh gốc

Trong 60 chủng loại cây ở Huế, có các cây ngoại lai nào được đưa về trồng không, thưa ông ?

Có, như cây bao báp ở địa chỉ Mai Thúc Loan là có nguồn gốc ở Châu Phi, hoặc cây Cầu vồng được lấy từ Hawait về trồng. Nhưng đó chỉ là hạn hữu, chiếm con số cực ít, bởi chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ những chủng loại cây đã quá quen thuộc với con đường, vì thế mà người Huế dù đi xa bao nhiêu năm về vẫn thấy sự thân thuộc ở mỗi góc phố, mỗi con đường.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
 
Thế Nam (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm