Sinh viên đại học tốp đầu Việt Nam không khác du học sinh ở nước ngoài về?

Phương Thảo

(Dân trí) - “Mức chi cho sinh viên ở đại học top đầu Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với các nước phát triển. Dù vậy, đầu ra của các trường này khác biệt không nhiều so với sinh viên du học ở nước ngoài trở về…”.

Đây là thông tin đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 5/11.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Cường phân tích một số chỉ số thể hiện sự đánh giá của quốc tế với Việt Nam để thấy thực tế trình độ phát triển của đất nước hiện tại. Ông nói về chỉ số HDI - chỉ số tổng hợp của 3 chỉ số đầu tư phát triển về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể, HDI của Việt Nam hiện tại là 0,693 - ở mức các nước có trình độ phát triển khá. Theo đó, chỉ còn thiếu 0,07 nữa Việt Nam sẽ bước vào ngưỡng nhóm nước phát triển.

Trong số các chỉ số thành phần của HDI thì thực tế, thu nhập trung bình đầu người của Việt Nam còn rất hạn chế, mới khoảng 3.000 - 4.000 USD/năm. Như vậy, ông Cường nhận định, kết quả HDI khả quan mang lại là từ chỉ số về phát triển giáo dục, y tế.

Sinh viên đại học tốp đầu Việt Nam không khác du học sinh ở nước ngoài về? - 1
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) hiện là Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân.

“Thế giới đang xếp giáo dục của Việt Nam ở mức khá cao, dù nền giáo dục còn nhiều vấn đề, tiêu biểu như sự cố sách giáo khoa đang khiến dư luận bức xúc”- đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Vị đại biểu hiện là Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, đầu tư cho giáo dục, nhất là giáo dục đại học ở Việt Nam đang có mức hiệu quả cao. Các trường đại học trong nước hiện tại vẫn là cái nôi của đổi mới, của sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có khả năng mang lại sự phát triển đột phá, là nền tảng cơ bản của giáo dục chất lượng cao.

Nghịch lý là mức đầu tư cho các trường đại học ở Việt Nam hiện rất hạn chế. Mức chi cho giáo dục trên mỗi sinh viên ở những trường đại học top đầu cả nước mới tương đương 1/15 so với các nước phát triển. Dù vậy, đầu ra của các sinh viên ở các trường top đầu này khác biệt không nhiều so với sinh viên du học ở nước ngoài trở về. Đại biểu nhấn mạnh, điều đó có nghĩa là hiệu quả đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam đang rất tốt, cũng ở… top đầu thế gới.

Từ đó, ông Cường gợi ý Chính phủ nên có chính sách thu hút nguồn vốn từ bên ngoài để đầu tư cho giáo dục, phát triển nguồn nhân lực. Ông nêu bài toán so sánh, có thể vay tiền từ nước ngoài về, “bơm” cho những trường đại học top đầu trong nước, hoặc để cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước vay lại để gây dựng được những trường đại học "nội", tập đoàn tư nhân "nội" lớn mạnh sẽ hiệu quả hơn việc kêu gọi FDI, để các trường đại học quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài cầm tiền vào đầu tư, cạnh tranh với “gà nhà”.

Đại biểu bày tỏ tin tưởng, mục tiêu năm 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp công nghệ cao, thu nhập bình quân đầu nước sẽ lên mức 20.000-25.000 USD/năm, khoảng cách với những “hổ” những “rồng” ở khu vực Châu Á thu hẹp được đáng kể.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội) khẳng định 2020 là một năm thành công của Việt Nam. Việt Nam có cơ hội vươn lên vị trí thứ 4 trong ASEAN. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đã nhiều lần nhấn mạnh “chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, vị thế như hiện nay”.

Trong bối cảnh đó, giáo dục đang có được những kết quả đáng ghi nhận. Đại biểu khuyến cáo đầu tư, đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, tập trung vào giáo dục đại học, triển khai mạnh mẽ chủ trương tự chủ đại học.

Đại biểu chia sẻ cảm thông, đổi mới giáo dục, sách giáo khoa là việc khó, ngay cả với các nước phát triển hơn Việt Nam. “Tôi tin, ngành giáo dục nếu quyết tâm cao, thực sự tiếp thu, cầu thị hơn nữa thì sẽ thành công, sẽ đổi mới được chương trình giáo dục” - ông Thắng phát biểu.

Ở khía cạnh khác, đại biểu nêu vấn đề, phát triển giáo dục nhưng nguồn lực con người đang chưa được chăm chút tương xứng với mục tiêu đề ra. Cần có biện pháp khuyến khích, phát triển chuẩn mực văn hoá con người Việt Nam phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực trong thời gian tới. Giáo dục phải giúp khắc phục được những biểu hiện phát triển lệch lạc về đạo đức và tư tưởng hiện nay.