1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sinh viên đại học được hoãn nghĩa vụ quân sự đến khi tốt nghiệp

(Dân trí) - Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/1, đa số ý kiến ủng hộ chủ trương cho phép sinh viên đang học đại học được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự nhưng sau khi ra trường phải thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc.

Theo ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội - nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật Nghĩa vụ quâ sự (sửa đổi) thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 - 25 tuổi chứ không kéo dài tới tuổi 27. Việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm sự bình đẳng. Việc kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ cho đối tượng tạm hoãn là sinh viên đang học đại học để gọi vào phục vụ tại ngũ sau khi tốt nghiệp vừa khó khả thi, vừa không bảo đảm công bằng xã hội.

“Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh tán thành với đề nghị quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân thống nhất từ 18 - 25 tuổi như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành”- ông Khoa nói.

Sinh viên đại học được hoãn nghĩa vụ quân sự đến khi tốt nghiệp
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, nếu kéo dài tuổi nhập ngũ đến 27 tuổi thì sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH phải gọi 100% đi nghĩa vụ quân sự mới có giá trị. 

Đáng chú ý, vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ với sinh viên chính quy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng nếu giữ như quy định hiện hành thì đối tượng tạm hoãn quá rộng, không khắc phục được những vướng mắc bất cập hiện nay. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước và tình hình thực tiễn, cơ quan này đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sinh viên, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn vì số lượng ngày càng tăng như hiện nay, cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc phù hợp.

GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ thái độ không đồng tình với quy định không tạm hoãn nghĩa vụ đối với sinh viên hệ chính quy. Theo ông Thi, khi các em đã có giấy gọi nhập học rồi thì trong thời gian học phải hoãn nghĩa vụ quân sự, không nên để xảy ra tình trạng các em đang học vẫn bị gọi, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, đào tạo. “Nếu quy định sinh viên học chính quy có thể tự bỏ chi phí tham gia huấn luyện 3 tháng thay thế nghĩa vụ quân sự, rất có thể tạo kẽ hở để sinh viên tìm cách trốn nhập ngũ. Mặt khác nếu không kéo dài tuổi gọi nghĩa vụ quân sự với sinh viên hệ chính quy sẽ gây khó khăn cho các em, bên cạnh đó không cẩn thận sinh viên sẽ kéo dài thời gian lưu ban (tối đa 3 năm) đề trốn nghĩa vụ quân sự”- ông Thi lưu ý cơ quan soạn thảo.

Từ phân tích trên, ông Thi đề nghị nên hoãn gọi nghĩa vụ quân sự đối với người trúng tuyển đại học chính quy; khi tốt nghiệp đại học sẽ tiếp tục tham gia lực lượng quân đội, để góp phần đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới.

Ý kiến của ông Đào Trọng Thi nhận được nhiều ý kiến tán đồng. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước lưu ý sau khi học xong đại học những sinh viên này phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những thanh niên đã thi đỗ đại học có thể “tạm hoãn nhưng không phải miễn nghĩa vụ quân sự”.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Kim Khoa bày tỏ quan điểm: Nếu kéo dài tuổi nhập ngũ đến 27 tuổi thì sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học phải gọi 100% đi nghĩa vụ quân sự mới có giá trị. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ sinh viên tham gia nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam hiện nay đạt tỷ lệ rất ít (khoảng 0,5%), nên việc kéo dài đến 27 tuổi dễ khiến gia tăng sự mất công bằng xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính vì thế ông Khoa cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ đối với vấn đề này.

Đồng tình với chủ trương tạm hoãn đối với sinh viên đang học đại học nhưng ông Khoa cho rằng có thể thiết kế quy định mở để cho những người tình nguyện nhập ngũ. Bên cạnh đó có thể sử dụng hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế khác để thanh niên thực hiện, giúp tạo điều kiện cho người tốt nghiệp ra trường là có thể đi làm ngay.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá đề xuất cho phép sinh viên có thể tham gia huấn luyện 3 tháng thay thế nghĩa vụ quân sự rất khó khả thi và không đảm bảo công bằng giữa những thanh niên sống trong gia đình có tiền và không có tiền. Ông Thanh cũng đồng tình với việc cho phép sinh viên đang học được hoãn nghĩa vụ quân sự và khi học xong sẽ thực hiện nghĩa vụ này.

Thế Kha