1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sinh mạng "treo" đầu sóng ngọn gió

Hàng chục ngàn hộ dân sống ven đê biển - nơi đầu sóng ngọn gió - thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang... đang nơm nớp lo sợ bị sóng biển cuốn phăng bất cứ lúc nào. Trong khi đó, đê biển tại đây tiếp tục bị xâm chiếm, đào phá nghiêm trọng.

Dù chỉ với những cơn mưa thường, sức gió không quá cấp 5, nhưng năm nay người dân sống ven biển tây Cà Mau luôn hồi hộp lo sợ. Ông Trần Văn Đọt, trưởng xóm Tư (ấp 7, xã Khánh Hội, U Minh, Cà Mau), bần thần nói: “Mấy năm gần đây, cứ vào mùa mưa là tôi cảm thấy bất an. Gió chỉ cấp 4 thôi mà nhà cửa đã sàng như máy chà gạo. Đó là nhà tôi cách chân đê những gần 100m, còn bà con ở sát chân đê càng nguy hiểm hơn bởi rừng phòng hộ bây giờ tệ quá nên gió từ biển cứ lọt thỏm vào đồng”. Vậy mà dọc chân đê những căn nhà lá lúp xúp nối đuôi nhau chạy dài như vô tận.

 

Nguy hiểm hơn là những gia đình có nhà cửa ngay trên đê, ngoài đê và cả trong những cụm rừng phòng hộ. Bà Nguyễn Thị Khuyến ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, nói như khóc: “Bất đắc dĩ mới dạt đến đây cậu ạ! Lúc nào cũng lo lắng mất ăn mất ngủ. Chỉ cần mưa to một chút và có tí gió thôi thì sóng sẽ tràn vào đập tan và cuốn phăng cái nhà của tui liền”...

 

Từ năm 1992 đến nay tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng gần 85km đê biển và trên 400km đê ven các tuyến sông. Mặc dù được đánh giá là những tuyến đê quan trọng của tỉnh trong việc phòng chống bão lũ nhưng ba tuyến đê biển huyện Cù Lao Dung, huyện Vĩnh Châu và Gòi - Bãi Giá (huyện Long Phú) chỉ có cao trình xây dựng từ 3.0-3.5 (3-3,5m so với mặt nước biển).

 

Nếu không may gặp bão cấp 8, cấp 9 đổ bộ vào thì cuộc sống của người dân ven biển và các tuyến sông gần cửa biển sẽ bị đe dọa bởi theo đánh giá của ngành chức năng, cao trình này vẫn còn rất thấp. Ngay cả tuyến đê biển dài nhất của tỉnh Sóc Trăng nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Châu bắt đầu từ xã Vĩnh Hải kéo dài đến tỉnh Bạc Liêu với 49,9km, năm 1992 tỉnh Sóc Trăng xây dựng tuyến đê này chỉ đạt cao trình 3.2.

 

Trên từng cây số của con đê cấp 4 dài 93km từ Tiểu Dừa, huyện U Minh đến Kinh Năm, huyện Phú Tân (Cà Mau) đang bày ra những việc làm sai trái của con người. Chân đê, trong phạm vi an toàn 15m (phía đồng ruộng, đất liền) đâu đâu cũng có dân cất nhà, lập vườn, đào cả ao sâu để nuôi cá, chăn gà vịt... Nhiều nơi người dân còn cày xới thân đê để trồng hoa màu. Còn chân đê phía ngoài biển thì người dân “được phép” đào vuông nuôi tôm.

 

Tại cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời), đoạn đê ở bờ nam dài gần 1km đã bị mấy trăm nhà dân, một trường tiểu học và cả trụ sở của ban quản lý rừng đặc dụng Biển Tây “đè bẹp” đến không còn hình thù của con đê. Bên bờ bắc thì sóng biển đã ăn mòn đứt nửa thân đê, chạy dài một đoạn trên 100m. Tiếp đó là các hoạt động cất chòi, sân phơi... kéo dài thêm vài trăm mét nữa trên thân đê...

 

Tại cửa biển sông Ông Đốc, hoạt động buôn bán, chuyển nhượng, cho thuê đất đê và hành lang an toàn của đê diễn ra sôi nổi. Bà Nguyễn Thị Khuyến bảo: “Cả chục căn nhà xung quanh tui đều mua đất từ ông Bảy Phú. Hồi đó tui mua ba chỉ vàng”. Bên bờ bắc sông Ông Đốc, ông Nguyễn Minh Đẳng, trưởng khóm 6, thị trấn Sông Đốc, thừa nhận: “Thấy đê có mặt bằng lớn, bỏ uổng nên chi bộ chúng tôi thống nhất cho dân thuê để làm sân phơi ruốc. Số tiền ấy lấy làm một số công trình phúc lợi cho khóm như tu sửa trường học, giúp đỡ học sinh nghèo...”.

 

Theo Phạm Kiều - Ngọc Diên
Tuổi trẻ