1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Singapore sẵn sàng giúp Việt Nam đào tạo bác sĩ ghép gan

"Chúng tôi sẵn sàng cấp học bổng cho các bác sĩ Việt Nam sang Singapore để học tập kinh nghiệm và kỹ thuật ghép gan của Singapore" - ông Tan Kai Chah - chuyên gia ghép gan hàng đầu của Trung tâm Bệnh gan và ghép gan Châu Á, Bệnh viện Gleneagles (Singapore) cho biết.

Ghép gan là kỹ thuật phức tạp. Tỷ lệ ghép gan thành công mà bệnh viện ông đã thực hiện là bao nhiêu?

 

Các trường hợp được chỉ định ghép gan là trẻ em dị tật bẩm sinh, ung thư gan, viêm gan A, B, C, xơ gan do nghiện rượu... Với công nghệ và kỹ thuật của chúng tôi, tỷ lệ ghép gan thành công ở trẻ em là từ 85-90%, còn người lớn là 75-80% tuỳ vào tuổi tác, sức khỏe bệnh nhân.

 

Ông có thể cho biết chi phí cho một ca ghép gan ở Singapore?

 

Đối với người lớn, mỗi ca hết khoảng 260.000 dollar Sing (156.000 USD), gồm chi phí chăm sóc hậu phẫu cho người hiến gan ở một tuần trong bệnh viện và người tiếp nhận nằm viện trong một tháng. Đối với trẻ em thì hết khoảng 72.000 USD.

 

Nghĩa là bất cứ ai có tiền cũng có thể sang Singapore để ghép gan?

 

Đúng. Nhưng họ phải tự tìm được người cho gan phù hợp với người được ghép. Chúng tôi không có ngân hàng tạng.

 

Việt Nam đang bắt đầu học tập công nghệ ghép gan của thế giới. Singapore có sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này không?

 

Trung tâm của tôi sẵn sàng tiếp nhận các bác sĩ Việt Nam sang tập huấn. Chúng tôi có chương trình học bổng trong một năm, trị giá khoảng 36.000 USD dành cho các đối tượng có nhu cầu học tập. Các học viên được bố trí chỗ ăn ở, có thể mang theo cả gia đình sang Singapore.

 

Làm thế nào để xin học bổng này?

 

Có thể gửi đơn xin cấp học bổng và sơ yếu lý lịch (tiếng Anh) trực tiếp cho chúng tôi theo địa chỉ kctanliver@pacific.net.sg. Địa chỉ website của chúng tôi là www.kctanliverclinic.com.sg.

 

Để thực hiện các ca ghép gan thì chi phí đầu tư cho các máy móc, thiết bị có nhiều không?

 

Tất nhiên là để phẫu thuật thì phải có thiết bị. Nhưng yếu tố thành công không nằm ở thiết bị, mà nằm ở con người, ở tay nghề bác sĩ. Các bệnh nhân phải được chăm sóc kỹ lưỡng sau khi mổ. Ngoài ra, sau khi ghép gan thì có hiện tượng đào thải của cơ thể. Và phải sử dụng thuốc cho quá trình này. Thuốc này rất đắt.

 

Việt Nam đã từng thực hiện thành công hai ca ghép gan, với sự giúp đỡ của các bác sĩ Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông có sẵn sàng sang giúp chúng tôi thực hiện các ca ghép gan trong tương lai không?

 

Tôi có theo dõi hai ca ghép gan của Việt Nam. Các bạn đã làm rất tốt. Nhưng ghép gan trẻ em đơn giản hơn ghép gan người lớn. Theo quan điểm của tôi, để giúp đỡ Việt Nam, nếu chỉ đến làm rồi đi ngay thì cũng không mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Sau khi các bác sĩ nước ngoài về, liệu các bác sĩ Việt Nam có thể tự mình làm được không. Vì vậy, tốt nhất là chúng tôi mời các bác sĩ Việt Nam sang Singapore học. Phẫu thuật cũng giống như lái xe vậy. Nếu lâu lâu không thực hành, đến lúc phải làm sẽ rất lúng túng.

 

Việt Nam đang xây dựng dự luật về hiến tạng, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì của Singapore cho Việt Nam?

 

Đúng là chúng tôi có luật. Theo luật thì người chết đương nhiên trở thành người hiến tạng, trừ khi trước khi chết họ ký vào phiếu từ chối cho tạng. Nhưng luật là vậy, khi thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Có người thậm chí tuyên bố sẵn sàng hiến tạng, nhưng khi họ qua đời, gia đình lại không đồng ý.

 

Và họ không muốn người ta lấy nội tạng của người thân mình. Nếu chiểu theo luật thì có thể gọi cảnh sát nhờ họ can thiệp, để gia đình người quá cố không tức giận và phản đối tại bệnh viện. Nhưng theo truyền thống văn hóa Á Đông, chúng ta không dễ gì làm điều đó. Nghĩa tử là nghĩa tận. Ơ vài nước có luật, nhưng luật cũng chẳng giúp ích được gì. Cơ bản vẫn là tự nguyện.

 

Xin cảm ơn ông. 

Theo Lao động