Siêu máy bơm "bất lực" ở Sài Gòn, Hà Nội ngồi chờ lũ rút
(Dân trí) - Dù được trang bị siêu máy bơm nhưng “rốn” ngập ở TP HCM vẫn mênh mông nước. Tại Hà Nội, lũ lụt đã đi qua nhưng hậu quả của nó gây ra vẫn rất nặng nề. Những hình ảnh sau cùng về hàng cây xà cừ lớn của thủ đô trước khi bị đốn hạ để làm đường... cũng được chú ý trong tuần qua.
Cuộc sống ngày càng được cải thiện, những món quà trong những dịp lễ 20/10 cũng vì thế mà được nâng tầm. Để tặng những người thân yêu của mình, nhiều đấng nam nhi sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng để mua quà cho vợ, cho mẹ hay người yêu của mình. (Ảnh: Thế Hưng)
Máy bơm “khủng” giúp “rốn” ngập Nguyễn Hữu Cảnh khô ráo trong những cơn mưa lớn kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, một cơn mưa với lượng nước khoảng 40mm/h lại khiến tuyến đường này tái ngập. Đây là dấu hiệu bất thường và các bên đang có những nhận định khác nhau trong việc đề cập nguyên nhân. (Ảnh: Đình Thảo)
Sáng 18/10, công nhân bắt đầu chặt hạ, đánh chuyển đợt đầu tiên trong tổng số 1.289 cây xanh cần xử lý trên đường Phạm Văn Đồng để phục vụ thi công dự án mở rộng đường vành đai 3 - Hà Nội. (Ảnh: Toàn Vũ)
Tuy là đất rừng, nhưng bà con vẫn mặc nhiên đốt phá cây rừng để làm nương rẫy. Dọc hai bên đường đi vào các làng thuộc xã Đăk Roong (Kbang, Gia Lai) là những cánh rừng bị chết khô, phía dưới chân là các đám rẫy cà phê, sắn, lúa sắp cho thu hoạch. Cứ như thế, rất nhiều hec-ta rừng phải nhường chỗ cho nương rẫy của bà con. Lợi dụng thực tế này, các đối tượng lâm tặc cũng hoành hành hơn. (Ảnh: Phạm Hoàng)
Trước thông tin cho rằng, tại cảng Hoàng Diệu đang tồn tại một lượng lưu huỳnh rất lớn gây nguy hại cho môi trường, gây mất an toàn về phòng chống cháy nổ, làm ảnh hưởng tới đời sống người dân, tại cuộc làm việc với phóng viên Dân trí trưa 16/10, ông Trần Lưu Phương - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cảng Hoàng Diệu (thuộc công ty Cổ phần cảng Hải Phòng) đã khẳng định, lưu huỳnh dạng hạt này vô hại đối với môi trường. (Ảnh: An Nhiên)
Quang Phong