Siêu bão Yagi cuốn bay 50.000 tỷ đồng, có thể kéo giảm GDP cả nước
(Dân trí) - Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản, theo thống kê của Chính phủ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi) để nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Siêu bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ.
329 người chết và mất tích vì bão số 3
Đây là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17); sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài; phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa; đối tượng chịu tác động nhiều; gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9, đã có 329 người chết và mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; hơn 234.000 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ…
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), Chính phủ quán triệt cần có chính sách hỗ trợ nhanh, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng với trình tự, thủ tục đơn giản.
Phạm vi, đối tượng hỗ trợ được Chính phủ quán triệt là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất.
Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10. Trong đó, một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ cho dân, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên
Để khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xác định mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng bố trí dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, hư hỏng hoàn toàn cần xây mới, hư hỏng nặng phải sửa chữa và di dời chỗ ở.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ khẩn cấp hiện hành đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng, di dời nhà ở…, theo phương châm "xác định thiệt hại đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó".
Trong thời gian sớm nhất phải đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sinh hoạt, thông tin liên lạc của người dân; không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu khác bị đứt gãy do bão lũ gây ra, cũng là nhiệm vụ được Chính phủ đề ra.
Các địa phương cùng bộ, ngành liên quan được giao sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước để khẩn trương sửa chữa, sớm đưa vào sử dụng trở lại các công trình dân sinh, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế, thủy lợi…
Chính phủ cũng lưu ý huy động tối đa nguồn vốn hợp pháp để gia cố ngay các đoạn đê, kè xung yếu, bị hư hại nghiêm trọng; sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến huyết mạch; khôi phục kết nối giao thông các khu vực dân cư bị chia cắt, cô lập sau bão lũ; lập kế hoạch xây dựng lại những công trình hư hỏng nghiêm trọng không thể khắc phục.
Công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, công tác dạy và học tại các trường cũng cần sớm khôi phục, theo yêu cầu của Chính phủ.
"Với công trình trường học, cơ sở y tế bị hư hại nặng, không thể tiếp tục sử dụng, trước mắt dựng trường tạm để học sinh đến học tập ngay trong tháng 9, cơ sở y tế tạm để phục vụ khám, chữa bệnh sau đó lên kế hoạch xây dựng lại những công trình không thể tiếp tục sử dụng", nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.
Trong nghị quyết này, Chính phủ quán triệt các bộ ngành kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương được giao thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trong năm học 2024-2025.