Siêu bão Surigae có đi vào Biển Đông?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Hiện nay ở vùng biển phía Đông của Philippines đang có một siêu bão Surigae hoạt động, với sức gió mạnh nhất gần tâm siêu bão mạnh cấp 17. Đây là cơn siêu bão nguy hiểm, liệu có đi vào Biển Đông?

Siêu bão Surigae có đi vào Biển Đông? - 1

Hình ảnh và hướng di chuyển của siêu bão Surigae. (Ảnh: NCHMF).

Liên quan đến cơn siêu bão trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết: Hiện nay đang xuất hiện cơn bão thứ 2 của mùa bão năm nay ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Cơn bão này đang ở cấp siêu bão, tên quốc tế là Surigae. Chiều 18/4, siêu bão này đang mạnh cấp 17 (cuối thang đo về cấp bão ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương), gió giật trên cấp 20.

"Đây là cơn siêu bão rất mạnh, đồng thời cũng là cơn bão đầu mùa trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Đặc trưng di chuyển của các cơn bão đầu mùa thường có quỹ đạo parabol, nó xuất phát từ ngoài phía Nam của khu vực Thái Bình Dương rồi đi lên Philippines, sau nó sẽ bị "bẻ quặt" xuống đi ra ngoài", ông Năng cho biết.

Trưởng phòng Dự báo Thời tiết cho biết thêm, theo diễn biến thời gian, các cơn bão tiếp theo có hướng di chuyển "lấn sâu hơn vào", nhưng cũng có thể đi vòng ra. Khoảng tháng 5 đến tháng 7, các cơn bão có xu thế đi sâu hơn vào phía Trung Quốc. Nhưng đến tháng 8, tháng 9, các cơn bão tập trung đổ bộ vào Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến tháng 9, tháng 10, tháng  11, bão có xu hướng dịch chuyển xuống các tỉnh Trung Trung Bộ; từ tháng 12, bão có thể ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung Bộ và một số cơn ảnh hưởng đến Nam Bộ.

"Siêu bão Surigae được đánh giá rất mạnh. Tuy nhiên, nguy cơ siêu bão này vào Biển Đông là chưa cao. Theo qui chế thì chúng tôi chưa phải phát tin về cơn siêu bão này, nhưng chúng tôi đẩy mạnh công nghệ và phát triển dự báo thì chúng tôi đã phát tin sớm trước 5 ngày so với bình thường. Do đó, khi có dự báo sớm để chúng ta yên tâm trước cơn siêu bão này khi nghe ngóng thông tin ở đâu đó", ông Năng cho biết thêm.

Ông Trần Quang Năng chia sẻ tiếp, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên người dân nghe cụm từ "siêu bão" nhiều hơn. Mỗi năm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng phải phát 1-2 tin về siêu bão. Mặc dù trên Biển Đông chưa có siêu bão đến cấp 16, nhưng những cơn siêu bão trên cấp 16 mà "ngấp nghé" ở gần Biển Đông nên cần phải phát tin sớm để theo dõi. 

"Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, do đó, trong thời gian tới chúng ta ngày càng phải đối mặt với nhiều cơn bão mạnh hơn. Như năm 2020, cơn bão số 9 được đánh giá rất mạnh trong vòng 20 năm trở lại đây, đã đổ bộ vào khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi gây thiệt hại lớn. Do đó, chúng ta cần chủ động hơn nữa để đối với những cơn bão mạnh hơn trong thời gian tới", ông Năng đưa ra cảnh báo.

Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (18/4), vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 127,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 7h ngày 19/4, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 126,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 7h ngày 20/4, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 125,7 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (185-200km/giờ), giật trên cấp 17.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 7h ngày 21/4, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 124,9 độ Kinh Đông, cách phía Bắc đảo Luzon (Philippines) khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (185-200km/giờ), giật trên cấp 17.

Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, siêu bão Surigae rất nguy hiểm, trường hợp thay đổi hướng bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới biển Đông, nơi có nhiều tàu thuyền khai thác hải sản đang hoạt động. Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT& Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau:

Theo dõi chặt chẽ các bản tin về siêu bão Surigae; thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp;

Duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.