“Siết” hoạt động của xe tự chế 3-4 bánh
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường thủy.
Được biết, theo tổng hợp bước đầu, thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợthay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông.
Ví dụ, tính đến tháng 11/2011, toàn tỉnh Đồng Nai có trên 6.000 xe thuộc diện trên bị cấm lưu thông, trong đó, trên 5.700 chủ xe đã được hỗ trợ mức 5 triệu đồng/xe, 360 chủ xe được hỗ trợ mức 9 triệu đồng/xe để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc mua sắm phương tiện đúng pháp luật.
Tỉnh Bình Dương có 10.196 phương tiện cần được hỗ trợ vốn thay thế. Với số tiền được hỗ trợ, người dân đã mua thay thế gần 3.000 phương tiện mới được phép lưu hành...
Theo thống kê của Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố có hơn 24.000 xe 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ lưu thông. Để giúp các chủ xe chuyển đổi nghề nghiệp, ngoài mức hỗ trợ 7 triệu đồng/phương tiện, đối với các hộ nghèo, thành phố còn hỗ trợ đào tạo nghề 3,6 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ vay vốn mua phương tiện mới tối đa 50 triệu đồng/hộ, hỗ trợ vay vốn tối đa 30 triệu đồng/hộ để tham gia hợp tác lao động…
Trước đó, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đã ra quân xử lý nghiêm các vi phạm về điều khiển xe ba bánh tự chế, chở hàng công kềnh. Hà Nội cũng quyết định hỗ trợ xe công nông, xe thô sơ ba bánh, bốn bánh… thuộc diện bị cấm hoạt động. Mức hỗ trợ cao nhất cho các loại xe này lên đến 15 triệu đồng/xe và người dân được học nghề miễn phí nếu có nhu cầu.
Theo báo cáo của Phòng Quản lý phương tiện, Sở GTVT Hà Nội, trong năm 2011 thành phố có 517 xe ba gác, xe bốn bánh của thương binh và người tàn tật, trong đó có 216 xe đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Quang Phong