1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Siết chặt các quy định kết hôn với người nước ngoài

Biết ngoại ngữ mới được kết hôn với người nước ngoài, muốn làm rể VN phải có xác nhận tình trạng độc thân... Đó là những quy định mới nhất mà Bộ Tư pháp đang hoàn tất để Chính phủ ban hành ngay trong tháng 6.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã có cuộc trao đổi xung quanh những quy định này.

 

Ông có thể phác thảo một bức tranh chung nhất về thực trạng người Việt Nam lấy chồng nước ngoài?

 

Hôn nhân có yếu tố nước ngoài có chiều hướng tăng, riêng Đài Loan có khoảng 80.000 cô dâu Việt Nam. Rồi người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng thích về nước lấy vợ. Xu hướng mới bây giờ là lấy chồng Nam Triều Tiên, đặc biệt là Nhật. Điều này chứng tỏ giao lưu giữa Việt Nam và nước ngoài ngày càng cởi mở.

 

Nhưng trong lĩnh vực này đã phát sinh nhiều tiêu cực, đặc biệt nhức nhối là nhóm môi giới hôn nhân, giới thiệu cô dâu Việt Nam với người nước ngoài theo cái cách làm nhục quốc thể. Theo khảo sát của chúng tôi, đa số cô dâu lấy chồng Đài Loan là vì kinh tế, chứ không phải vì tình yêu. Không thể lý giải vì tình yêu mà mới biết nhau 2-3 ngày đã lấy nhau.

 

Ông nghĩ sao trước nhiều ý kiến cho rằng luật pháp Việt Nam có nhiều kẽ hở nên mới dẫn đến tình trạng trên?

 

Quy định hiện hành đúng là có một số sở hở và đã bị lợi dụng. Đơn cử, quy định cho phép được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ ở Sở Tư pháp để xin đăng ký kết hôn đã bị một số đối tượng lợi dụng để làm môi giới. Hay như hiện nay quy định để được đăng ký kết hôn thì đôi nam nữ phải qua phỏng vấn, nhưng trên thực tế điều này chỉ làm rất hình thức. Trong nhiều trường hợp người môi giới đứng đằng sau mớm trước câu trả lời.

 

Một lỗ hổng nữa là quy định ghi chú ly hôn. Theo quy định, người nước ngoài đã ly hôn và muốn kết hôn với người Việt Nam thì phải ghi chú ly hôn để chứng minh mình độc thân. Thực tế, ở nước ngoài người ta đã ly hôn, có bản án, quyết định của tòa án thật và đã kết hôn với người khác. Nhưng vào Việt Nam họ lại trưng bản án cũ ra để lấy vợ Việt Nam.

 

Vậy Bộ Tư pháp sẽ bịt những kẽ hở trên bằng các quy định nào?

 

Chúng tôi đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi một số điều của nghị định 68 về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, dự kiến sẽ được thông qua và áp dụng trong tháng 6.

 

Quan điểm sửa đổi nghị định là đề cao trách nhiệm của cơ quan làm thủ tục, đưa hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài vào trật tự và lành mạnh hoá nó.

 

Cụ thể sẽ có những thay đổi như thế nào?

 

Thứ nhất, dự thảo quy định lúc nộp hồ sơ để làm đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải có mặt tại Sở Tư pháp, chứ không thể ủy quyền cho người khác.

 

Thứ hai, trong quy trình kết hôn có một thủ tục phỏng vấn đôi bên và phải có nội dụng cụ thể, bao gồm: mục đích hôn nhân có đúng không; mức độ hiểu biết nhau như thế nào, đặc biệt nhấn mạnh đôi bên phải hiểu nhau qua một ngôn ngữ chung. Quy định này nhằm tránh tình trạng hiện nay các cô dâu Việt Nam về nhà chồng mà chẳng biết tiếng, cuối cùng người ta chửi, mắng cũng không biết. Sau quá trình phỏng vấn người phỏng vấn phải lập biên bản, ký xác nhận vào đó, đề xuất ý kiến có nên cho kết hôn hay không và chịu trách nhiệm cá nhân về việc này.

 

"Lỗ hổng" ghi chú ly hôn cũng được "bịt" bằng quy định mới là trong hồ sơ để làm thủ tục kết hôn phải có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền nước sở tại rằng anh đang ở tình trạng độc thân (giấy có giá trị trong 6 tháng).

 

Một điểm mới nữa, để chống môi giới kết hôn bất hợp pháp, dự thảo quy định nếu cán bộ làm thủ tục phát hiện việc kết hôn thông qua môi giới thì phải từ chối cho họ kết hôn.

 

Hiện có tình trạng cán bộ tư pháp thấy cô dâu chú rể chênh lệch tới 60-70 tuổi, việc hôn nhân có dấu hiệu bất thường, nhưng lại không đủ cơ sở pháp lý để từ chối. Trường hợp này có được luật điều chỉnh?

 

Từ xưa đến nay chưa có ông giám đốc Sở Tư pháp nào dám vin vào lý do tuổi quá chênh lệch để từ chối việc đăng ký kết hôn của họ vì luật pháp quy định trai trên 22 tuổi chưa vợ, gái 18 tuổi chưa chồng là đủ điều kiện lấy nhau, chứ không khống chế độ tuổi kết hôn. Duy nhất, tôi biết ở Khánh Hòa có từ chối một trường hợp cô gái 18 tuổi lấy ông già trên 80. Sở vin vào lý do không bao giờ có chuyện con rể lại bằng tuổi ông nội, ông ngoại để từ chối cho kết hôn nhưng thực ra cũng không có cơ sở pháp lý nào.

 

Dự thảo có một điểm mới là khi xem xét hôn nhân có đúng mục đích hay không thì phải đưa ra yếu tố là có đảm bảo thuần phong mỹ tục hay không? Nếu trái nguyên tắc đó thì không được.

 

Nếu quy định nguyên tắc kết hôn đảm bảo thuần phong mỹ tục thì quá chung chung. Cấp dưới có thể vin vào đó để gây khó dễ cho dân?

 

Cái gì cũng có hai mặt của nó. Tôi cho rằng tư duy luật pháp nên xem xét tới nhân tri sơ, tính bản thiện, tức là đa số người tốt, chỉ một bộ phận không tốt. Không thể vì một bộ phận không tốt mà đưa ra những quy định để buộc những người tốt phải chịu đựng. Tất nhiên những người vi phạm phải có chế tài xử phạt.

 

Việc chi tiết hóa các quy định với các ràng buộc chặt chẽ như vậy liệu có quá rắc rối và đi ngược lại xu hướng cải cách hành chính?

 

Nói thật là trong chuyện kết hôn đừng đặt vấn đề cải tiến thủ tục hành chính đến mức bỏ bớt nhiều công đoạn quan trọng. Hôn nhân là chuyện của cả cuộc đời, không thể dễ dãi. Phải làm sao tạo điều kiện để mọi người, nhất là phụ nữ có hạnh phúc.

 

Môi giới hôn nhân đã bị cấm. Vậy có cách nào để chị em Việt Nam được tư vấn, được học hỏi phong tục tập quán của nước sắp tới làm dâu?

 

Luật Doanh nghiệp đã cấm các trung tâm môi giới hôn nhân hoạt động. Hội liên hiệp phụ nữ đã được giao thành lập những trung tâm bảo trợ hỗ trợ phụ nữ Việt Nam kết hôn. Trung tâm sẽ tư vấn chị em có nên lấy không. Còn khi họ quyết định lấy rồi thì tư vấn cho họ làm thủ tục. Ngoài ra, trung tâm có thể mở lớp bồi dưỡng dạy văn hoá của một số nước, cách cư xử trong gia đình, giống như một số nước có lớp dạy cách làm dâu. Nói nôm na, trung tâm như nhà gái, chuẩn bị cho con gái những điều kiện tốt nhất trước khi sang xứ người làm dâu.

 

Theo Như Trang 

Vnexpress