1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sẽ rà soát hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng

(Dân trí) - Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, đơn vị này sẽ đề nghị các chủ rừng rà soát tất cả hệ thống rừng đặc dụng trên toàn quốc, nơi có nào có hoạt động du lịch sinh thái phải rà soát để thay đổi sao cho phù hợp với hệ thống luật và các văn bản mới.

Liên quan đến định hướng và kiểm soát hoạt động du lịch sinh thái có sử dụng môi trường rừng, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, sắp tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư ngày 12/1/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Trị đánh giá, việc thực hiện Chỉ thị 13 cho thấy cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Về việc gần đây nhiều địa phương xin thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, ông Trị cho biết: "Phát triển du lịch sinh thái là một nội dung đã được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật. Hầu như các nước trên thế giới họ cũng có cho hoạt động này ở trong Vườn quốc gia. Nhưng tất nhiên quy định  hoạt động du lịch sinh thái ở nơi nào, khu vực nào, điểm nào và hồ sơ thủ tục như thế nào đều được làm rất chặt chẽ".

Sẽ rà soát hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng - 1

Ông Nguyễn Quốc Trị thông tin tại cuộc gặp mặt báo chí về hoạt động lâm nghiệp tháng 10/2019 ở Bộ NN&PTNT.

Theo ông Trị, thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ rà soát lại tất cả các điểm đã triển khai hoạt động du lịch sinh thái trên toàn quốc để điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật Lâm nghiệp mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

"Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định, hoạt động thuê môi trường rừng lên tới 50 năm, nhưng Luật Lâm nghiệp 2019 chỉ được 30 năm. Luật năm 2004 cho phép sử dụng là 5% tổng diện tích được thuê để làm du lịch sinh thái, nhưng luật mới 2019 chỉ cho phép sử dụng 3%, chỉ được làm ở nơi đất trống, thảm cỏ, còn nơi có rừng không được phép triển khai" - ông Trị cho biết.

Cũng theo ông Trị, thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chỉ đạo tất cả hệ thống rừng đặc dụng trên toàn quốc, nơi nào có hoạt động du lịch sinh thái thì sẽ phải rà soát để thay đổi sao cho phù hợp với hệ thống luật và các văn bản mới. Đối với các dự án đã có hồ sơ đầy đủ nhưng chưa thực hiện trên thực tế thì yêu cầu thực hiện theo luật mới.

Còn theo ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, việc chuyển đổi sử dụng mục đích sử dụng rừng được đơn vị này kiểm soát rất chặt chẽ.

Theo ông Kim, từ tháng 3/2017 cho đến 31/12/2018, tổng số có 37 tỉnh có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, với diện tích là 2.954 ha cho các dự án, đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 136.769 ha. Về việc này, Bộ NN&PTNT đã rà soát, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Tính đến hết 31/12/2018, Bộ NN&PTNT đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng chấp nhận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo đề xuất của 22 tỉnh, với 86 dự án (chiếm 3% số dự án đề xuất), với diện tích là 1.489 ha (chiếm 1% diện tích đề nghị chuyển sử dụng rừng).

Sẽ rà soát hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng - 2

Ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Từ ngày 1/1/2019 (Luật Lâm nghiệp mới có hiệu lực) đến 15/6/2019, Bộ NN&PTNT đã tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của 51 tỉnh cho 42 dự án, với diện tích gần 3000 ha. Bộ này đã rà soát, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và mới đề nghị với Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cho 2 dự án, với diện tích 62,61ha (chiếm 2,15% diện tích đề nghị).

“Thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng phải là Chính phủ, việc lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ cũng rất khó khăn. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng, Chính phủ việc này. Chúng tôi đang xây dựng nghị quyết, sau đó xây dựng nghị định để tháo gỡ vấn đề một số địa phương đang “kêu” việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chậm, nhưng chúng tôi vẫn quản lý việc này rất chặt” – ông Kim nói.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản 10 tháng 2019 ước đạt 9 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2018. Xuất siêu lâm sản đạt gần 7 tỷ USD.

Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc; tổng giá trị xuất khẩu sang các thị trường này ước đạt 7,81 tỷ USD, chiếm khoảng  86,6% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.  

Ông Nguyễn Quốc Trị nhận định: "Hai tháng tới được dự báo sẽ có giá trị xuất khẩu lâm sản cao nhất. Đối với các nước, dịp Noel lại sử dụng nội thất ngoài trời rất nhiều. Do đó, có thể khẳng định năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản sẽ đạt tối thiểu 10,5 tỷ USD, nhưng sẵn sàng lên 11 tỷ USD".

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm