1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sẽ kết luận thanh tra hàng loạt vụ nổi cộm trong tháng 10

Chiều 17/10, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, ngay trong tháng 10, Thanh tra Chính phủ có kết luận về <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/10/145642.vip">vụ Vietnam Airlines</a> và hàng loạt dự án giao thông nổi cộm tại Hà Nội. Kết quả thanh tra <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/10/145406.vip">Ngân hàng nhà nước</a> sẽ được báo cáo Thủ tướng vào tháng sau.

Trong phiên khai mạc QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thời gian tới sẽ tập trung làm rõ và xử lý nghiêm các vụ tham nhũng lớn. Với những vụ Thủ tướng đã giao cho Thanh tra Chính phủ, tiến độ thực hiện như thế nào?

Năm nay, Thanh tra chính phủ tham gia 25 cuộc thanh tra lớn, trong đó 15 vụ việc mới. Hiện, chúng tôi cũng đã kết thúc được khoảng 10 cuộc thanh tra. Theo nguyên tắc, vụ việc nào xong thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng. Sau khi Thủ tướng có ý kiến kết luận, Thanh tra sẽ xử lý ngay và công bố công khai.

Cụ thể là trong tháng 10 này, Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng những vụ thanh tra gì?

Liên quan đến Hà Nội, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận dự án Tăng cường năng lực giao thông Hà Nội, dự án đường vành đai 3. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo Thủ tướng vụ cảng Cái Lân, quốc lộ 5, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1…

Vụ Vietnam Airlines, Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo Thủ tướng trong tháng 10. Đến nay, đoàn thanh tra đã có kết luận xung quanh các vấn đề nổi cộm như: việc chấp hành các quy định của nhà nước về thuê máy bay Boeing 777; chi cho các đoàn đi công tác nước ngoài; đầu tư, mua sắm một số thiết bị tin học; Vietnam Airlines (VNA) đài thọ con em một số quan chức du học trái quy định...

Với những vụ việc vừa được Thủ tướng chỉ đạo như thanh tra ở Ngân hàng Nhà nước, Nhà xuất bản Giáo dục, khi nào ngành thanh tra có kết luận?

Việc thanh tra Ngân hàng nhà nước có 6 nội dung, trong đó những có những vấn đề khá nhạy cảm, ví dụ như việc in ấn tiền polymer. Những ngày qua, một số cán bộ liên quan đã được thanh tra mời đến làm việc. Dự kiến, cuộc thanh tra tại Ngân hàng nhà nước sẽ kết thúc vào tháng 11.

Còn việc thanh tra NXB Giáo dục, tôi chưa nhận được thông báo.

Một số kết luận thanh tra thời gian qua, điển hình là vụ dầu khí, đã bị bóp méo do hành vi tư lợi của một số cá nhân. Với cương vị Tổng thanh tra, ông có biện pháp gì để hạn chế những tiêu cực?

Sẽ kết luận thanh tra hàng loạt vụ nổi cộm trong tháng 10 - 1

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. (Ảnh: Sài Gòn giải phóng)

Chúng tôi đang chỉ đạo các đoàn thanh tra, kết thúc mỗi cuộc thanh tra đều phải kiểm điểm rút kinh nghiệm và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Trong tháng tới, tôi sẽ ký ban hành quy chế về hoạt động của đoàn thanh tra. Quy chế đó quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của trưởng đoàn, thành viên trong đoàn, về các mối quan hệ trong quá trình thanh tra.

Nếu đoàn thanh tra nào làm đúng thời gian quy định, kết thúc gọn và được dư luận, xã hội đồng tình, các ngành các cấp đánh giá cao thì đoàn đó sẽ được khen thưởng cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thanh tra Chính phủ dự kiến trình Thủ tướng đề án thành lập Cục Phòng chống tham nhũng. Cơ quan này có chức năng gì khác so với đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ hiện nay?

Chúng tôi đang trình Thủ tướng dự thảo thành lập Cục phòng chống tham nhũng, kèm theo là dự kiến thành lập bộ máy. Dự kiến, bước đầu, bộ máy này sẽ có khoảng 25-30 người gồm: Cục trưởng, 2 Phó cục trưởng, và 3 phòng chuyên môn để giúp cho Tổng thanh tra chỉ đạo công việc.

Quy chế sẽ phân định rõ, nhưng trước mắt, các vụ chức năng hiện nay có trách nhiệm thanh tra kinh tế xã hội và giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa bàn được phân công. Cục phòng chống tham nhũng có nhiệm vụ theo dõi, cập nhật tình hình, tổng hợp, phát hiện và đề xuất để Tổng thanh tra chỉ đạo và yêu cầu các vụ chức năng tiến hành các công việc có liên quan đến tham nhũng, chống tham nhũng.

Trong quá trình theo dõi, nếu phát hiện ra những vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, thâm chí là phức tạp thì Tổng thanh tra yêu cầu chuyển các vụ việc đó cho Cục phòng chống tham nhũng trực tiếp làm. Nếu vẫn chưa làm được thì sẽ kiến nghị lập các cơ chế khác như đoàn liên ngành, thanh tra liên ngành phối hợp với cơ quan điều tra để kịp thời giải quyết vụ việc này.

Theo Việt Anh
Vnexpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm