Sẽ có thêm công cụ để người dân giám sát cán bộ, vạch trần tham nhũng?
(Dân trí) - Bộ trưởng Nội vụ đề nghị có thêm quy định về các hình thức kiểm tra, giám sát để phát huy vai trò của từng người dân trong việc giám sát cán bộ, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Chiều 17/8, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ ở cơ sở và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về nội dung, hình thức nhân dân kiểm tra, giám sát để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền nhằm phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của nhân dân.
Theo đó, công dân kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các nội dung mà nhân dân đã bàn và quyết định; đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật nói chung thì người dân thực hiện quyền giám sát.
Công dân cũng có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua các hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động…, hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện như đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên...
Đáng chú ý, dự thảo luật còn bổ sung một điều riêng (Điều 7) quy định về quyền thụ hưởng của nhân dân. Trong đó, nhân dân được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, của địa phương và ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống; được cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt ở cộng đồng dân cư…
Đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan làm khá kỹ và quy định các điều theo hướng chi tiết, tốt hơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh dự án luật đã thiết kế theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", mộc mạc, đơn sơ, dễ hiểu, dễ đi vào lòng dân. Ông đề nghị xem xét, bổ sung thêm quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng lao động.
Đối với quyền thụ hưởng của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung một khoản về việc người dân được cung cấp thông tin, được yêu cầu cung cấp thông tin về chế độ, chính sách liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần, nhất là vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Trung ương và địa phương.
"Cần phải có quy định này để người dân biết họ được hưởng cái gì và để người dân thấy được thành tựu của đất nước phát triển tốt hơn. Người dân không phải ai cũng có điều kiện để biết tường tận"- ông phân tích.
Trong khi đó, liên quan quy định về Ban Thanh tra nhân dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, đây là thiết chế dân chủ quan trọng để người dân phát huy quyền làm chủ, hay có thể gọi là công cụ để người dân phát huy quyền kiểm tra, giám sát của mình.
Do đó, ngoài thiết chế trong dự thảo luật, Bộ Nội vụ sẽ cân nhắc thêm quy định, ở những nơi không có tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp thì phải có một tổ chức nào đó để người dân có công cụ thực hiện quyền lợi của mình.
"Cùng với Ban Thanh tra nhân dân có Ban Giám sát cộng đồng, đồng thời có tổ chức tự quản tại cộng đồng... vì các tổ chức này phát huy vai trò rất tốt vai trò của mình" - bà Trà nói và hứa sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện tốt nhất dự án luật này.