Quảng Nam:
Sẽ có thêm 4 thủy điện lân cận thủy điện sông Tranh
(Dân trí) - Sáng 19/7, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đã họp phiên bế mạc. Một loạt các nghị quyết đã được các đại biểu thông qua, trong đó đáng chú ý là việc UBND tỉnh bổ sung vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh với 4 dự án trên lưu vực sông Tranh, đều ở Nam Trà My.
100% đại biểu có mặt tại hội trường đã biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh và đưa vào danh sách quy hoạch thêm 4 dự án thủy điện Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và Trà Leng nằm trên hệ thống sông Tranh ở huyện miền núi Nam Trà My.
Một vấn đề nóng khác được cử tri huyện Đại Lộc kiến nghị là yêu cầu tỉnh nghiên cứu, cân nhắc lại việc cấp giấy phép xây dựng nhà máy thép Việt Pháp tại huyện Nam Giang vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường vùng hạ du.
Về vấn đề này, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, trước khi quyết định chính thức việc cho phép đầu tư nhà máy thép, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư báo cáo và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH thép Việt Pháp đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý chất thải của dự án đảm bảo các chất thải được xử lý đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư thông báo bằng văn bản đến UBND tỉnh, Sở TN-MT về kế hoạch thực vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành để kiểm tra, xác nhận trước khi đi vào vận hành chính thức.
“Hiện nay, UBND tỉnh đang kiến nghị với Trung ương để xem xét chủ trương đầu tư. Mặc khác cũng đang xem xét lại về chủ trương di dời”, ông Đinh Văn Thu trả lời cử tri.
Như Dân trí đã có bài phản ảnh ngày 11/7 "Dân lại chặn nhà máy thép gây ô nhiễm"; nhiều năm nay, người dân sống gần cụm công nghiệp Thương Tín (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) liên tục dựng lều trước cổng nhà máy để phản đối vì hoạt động sản xuất của nhà máy thép Việt Pháp gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn.
Tuy nhiên, đến nay cả nhà máy lẫn chính quyền địa phương vẫn đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”; nhà máy hiện vẫn tiếp tục hoạt động và người dân vẫn dựng lều chặn xe không cho chở phế liệu vào.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, cử tri cũng yêu cầu xử lý ô nhiễm môi trường ở KCN Bắc Chu Lai, tình trạng khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Vu Gia – Thu Bồn…
Kết thúc kỳ họp, ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch HĐND tỉnh – cho biết, đã thông qua 18 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh; đầu tư công; dự toán thu ngân sách địa phương; cơ chế tài chính; quy hoạch và phát triển tài nguyên; xây dựng chính quyền...
“Các nghị quyết được thông qua có sự tham gia thảo luận với nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có tính phản biện cao của các vị đại biểu, nội dung giải trình của đại diện cơ quan soạn thảo cụ thể, có căn cứ để đại biểu lựa chọn các quyết định”, ông Quang phát biểu.
Kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng đã bầu Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND tỉnh khóa IX; bầu cử ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021; quyết định chương trình giám sát năm 2018 của HĐND tỉnh, các cơ quan của HĐND tỉnh.
Công Bính