1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sẽ có cơ chế điều tiết tiền lương, thưởng Tết

(Dân trí) - Tiền lương bình quân của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2006 đều tăng so với năm 2005; mức thưởng bình quân trong dịp Tết Âm lịch 2007 khoảng trên 1,2 triệu đồng/người, có doanh nghiệp thưởng cao tới trên 124 triệu đồng.

Theo TS. Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công, mức chênh lệch về tiền lương, tiền thưởng hiện đang có xu hướng tăng lên giữa các ngành nghề và đây cũng là xu hướng chung của thị trường. Tuy nhiên, cơ chế đánh giá của khu vực Nhà nước về mức độ tiền lương và thưởng Tết chưa rõ ràng, chưa đánh giá hết mức độ cống hiến của người lao động vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Lương và thưởng tăng bình quân từ 8-10%

 

Theo Vụ Tiền lương - Tiền công, tiền lương bình quân trong doanh nghiệp Nhà nước đạt 2,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 9% so với năm 2005; riêng các Tổng công ty hạng đặc biệt bình quân đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 11% so với năm 2005. Doanh nghiệp dân doanh đạt 1,6 triệu đồng/người/tháng và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,2 triệu đồng/người/tháng.

 

Bên cạnh đó, ở các vùng kinh tế trọng điểm, tại TPHCM doanh nghiệp FDI có mức lương bình quân là 4,26 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp dân doanh là 1,86 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn Hà Nội, bình quân của các doanh nghiệp FDI có mức lương cao là 2,8 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp dân doanh 1,4 triệu đồng/người/tháng.

 

Theo các mức lương trên, mức tiền thưởng Tết tương ứng mà người lao động được hưởng cũng gần bằng một tháng lương bình quân. Mức thưởng trung bình là trên 1,2 triệu đồng/người. Cá biệt có những doanh nghiệp có mức thưởng cao lên đến trên 100 triệu như Công ty Motorola (gần 125 triệu); Công ty Bayer (hơn 110 triệu).

 

Nếu chia theo lĩnh vực thì bảo hiểm có mức thưởng Tết bình quân cao nhất với hơn 107 triệu. Lĩnh vực có mức thưởng Tết thấp nhất thuộc về da giày và dệt may với 700 nghìn đồng/người.

 

Sẽ có cơ chế điều tiết 

 

Theo TS. Phạm Minh Huân, mặc dù sự chênh lệch trong lương, thưởng Tết giữa các đơn vị hiện nay đang bộc lộ rõ xu hướng của thị trường, nhưng nếu tính bình quân trong doanh nghiệp thì mức thưởng thấp hơn nhiều. Đặc biệt là đối với khu vực Nhà nước, việc thực hiện lương, thưởng Tết chưa tốt, người lao động chưa có động lực thực sự để phát huy năng lực của  mình. Muốn khắc phục điều này, các doanh nghiệp khu vực Nhà nước phải nghiên cứu cách trả lương theo thị trường, chọn ra những người xứng đáng được trả lương cao, thưởng nhiều. 

 

Về mặt quản lý Nhà nước cũng cần phải điều chỉnh sao cho khoảng cách lương, thưởng giữa các doanh nghiệp có sự hợp lý hơn, công bằng hơn. Các địa phương phải nắm được bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, bao nhiêu doanh nghiệp khó khăn để định hướng chuyển hướng kinh doanh, từ đó đưa ra các biện pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong từng trường hợp cụ thể…

 

“Chúng tôi đang nghiên cứu một cơ chế điều tiết giữa các ngành nghề và các vùng để phân tích, bóc tách các ngành, nghề có nhiều lợi thế, rồi điều chỉnh về mặt chính sách, cơ chế tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Khi đó, trong quá trình cạnh tranh thu hút chất xám, việc trả lương, thưởng cho người lao động sẽ trở thành quyền lợi của doanh nghiệp” - ông Huân nhấn mạnh.

 

An Hạ