1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Sẽ có ba mức lương tối thiểu

Trong lộ trình cải cách tiền lương, sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành 3 mức lương tối thiểu khác nhau theo vùng và khu vực. Thông tin này được ông Hoàng Minh Hào, Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công đưa ra trong cuộc trao đổi với báo giới.

Thưa ông, đã có thông tin chính thức về mức lương tối thiểu sẽ được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/10/2006 chưa?

Chúng tôi dự kiến mức lương khoảng từ 400.000 đến 420.000/người/tháng. Tuy nhiên, đây mới là dự kiến.

Hiện nay, chúng tôi đã “đặt hàng” với Tổng cục Thống kê để có được một số thông số về giá cả, giá sinh hoạt, mức lạm phát, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP)... trong thời gian qua và dự báo trong giai đoạn 2006 - 2010 để có thể tính toán mức lương tối thiểu cho phù hợp.

Mức lương tối thiểu sẽ được tính toán dựa trên 4 tiêu chí là nhu cầu tiêu dùng, mức tăng trưởng GDP và quỹ tiêu dùng cá nhân qua các năm, giá tiền công trên thị trường lao động và tỷ lệ lạm phát. Do vậy, mức tăng chính xác như thế nào hiện nay chưa thể khẳng định được.

Nếu tính theo 4 tiêu chí trên, mức sống của người lao động thành thị sẽ phải khác mức sống ở nông thôn, thưa ông?

Đúng thế. Chính vì vậy, dự kiến trong lộ trình tăng lương, sẽ có 3 mức lương tối thiểu khác nhau theo vùng. Mức lương tối thiểu sẽ được quy định thực hiện theo vùng 1, vùng 2 vùng 3.

Ví dụ, tại vùng 1 là nội thành Hà Nội và TPHCM sẽ áp dụng mức lương tối thiểu cao nhất, cao hơn mức lương tối thiểu chung.

Vùng 2 là các huyện thuộc Hà Nội và TPHCM, các quận thuộc TP Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh), Biên Hoà (Đồng Nai), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát (Bình Dương), theo đó sẽ áp dụng mức cao hơn mức lương tối thiểu chung, nhưng thấp hơn vùng 1.

Vùng 3 bao gồm tất cả các vùng còn lại có thể áp dụng mức lương tối thiểu chung do Nhà nước ban hành.

Như vậy, lương tối thiểu khu vực trong nước cũng sẽ chia theo vùng như khu vực có vốn đầu tư nước ngoài để tiến tới thống nhất 2 khu vực này trong thời gian tới?

Theo lộ trình hội nhập, tới năm 2008 - 2010 sẽ không có sự phân biệt về lương tối thiểu khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực nhà nước.

Hơn nữa, lợi nhuận, năng suất lao động giữa các loại hình doanh nghiệp không phân biệt sở hữu đang trong xu hướng tương đương nhau do cạnh tranh cải tiến công nghệ, nhất là trong một số ngành như may mặc, thuỷ sản...

Nếu tiếp tục “kéo” lương tối thiểu lên cho tương đương với khu vực đầu tư nước ngoài liệu có “gây sốc” cho ngân sách không, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng, nếu tiếp tục dựa vào ngân sách để tính toán tới việc tăng lương tối thiểu cho khu vực sản xuất là không phù hợp với xu hướng thị trường. Tuy nhiên, nếu cùng “kéo” khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực hành chính sự nghiệp cho tương đương với mức của khu vực đầu tư nước ngoài là rất khó.

Do vậy, chúng tôi dự định sẽ tách lương tối thiểu của 2 khu vực này ra. Khu vực sản xuất, kinh doanh thực hiện dựa vào lợi nhuận và nỗ lực giảm chi phí đầu vào nhờ tinh giản lao động… Còn khu vực hành chính sự nghiệp nếu muốn hưởng lương tối thiểu cao, phải tích cực cải cách hành chính và thực hiện xã hội hoá mạnh mẽ.

Nghĩa là khu vực đầu tư nước ngoài sẽ không có sự biến động về lương tối thiểu từ nay tới năm 2010?

Thực tế mức lương tối thiểu hiện áp dụng cho khu vực đầu tư nước ngoài đang cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu của khu vực nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, trong lộ trình tăng lương tối thiểu của khu vực trong nước, lương tối thiểu của khu vực đầu tư nước ngoài ít nhất sẽ không có biến động trong năm nay và có thể cả trong năm 2007.

Tới năm 2008, lương tối thiểu của khu vực đầu tư nước ngoài có thể sẽ tăng, nhưng với tốc độ tăng chậm hơn, đảm bảo khu vực trong nước có thể “đuổi kịp” khu vực này vào năm 2010.

 

Theo Đầu tư