Sẽ có 4 sân bay tại khu vực Tây Bắc
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc thì phải có hệ thống hạ tầng giao thông và kết nối vận tải hoàn chỉnh, trong đó cần sớm nghiên cứu và triển khai xây dựng, nâng cấp 4 sân bay tại khu vực này.
Sáng nay (31/12), chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Bắc (2010 - 2015), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong khu vực Tây Bắc Bộ những năm qua đã nỗ lực xây dựng hạ tầng giao thông và kết nối vận tải, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại của nhân dân, đẩy mạnh giao thương và phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh là Hoà Bình, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là vùng có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của cả nước.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu phù hợp, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ cho các hãng hàng không mở các tuyến đi và đến khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, với mục tiêu là xây dựng và nâng cấp 4 sân bay tại các địa phương: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai.
Mục tiêu cụ thể: Sân bay Điện Biên Phủ được đầu tư nâng cấp năm 2004, hiện đang khai thác đường bay Hà Nội - Điện Biên với tần suất trung bình 2 chuyến máy bay ATR72/ngày, định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cấp quy mô cấp 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO); xúc tiến tìm kiếm nguồn vốn cho sân bay Nà Sản (đang ngừng hoạt động), Lào Cai và Lai Châu để sớm khởi công xây dựng.
Trước đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Dự án sân bay Lai Châu đã được phê duyệt quy hoạch. Hiện ACV đã lập khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 từ 2016 - 2020 của dự án là 4.600 tỷ đồng. Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng để sớm triển khai dự án trên cơ sở Bộ Quốc phòng sẽ đầu tư phần khu bay, còn lại phần nhà ga sẽ do ACV thực hiện.
Đối với dự án sân bay Lào Cai, ACV cùng với Cục Hàng không Việt Nam, chính quyền địa phương và đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát và thống nhất lựa chọn vị trí xây dựng tại khu vực nằm cách TP Lào Cai 36,4km về phía Nam.
Quan điểm của Bộ GTVT đối với Dự án sân bay Lào Cai là sau khi có đầy đủ ý kiến của các Bộ liên quan và tỉnh Lào Cai sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt quy hoạch dự án trong tháng 1/2016, đồng thời làm việc với chính quyền địa phương, các nhà đầu tư quan tâm để triển khai dự án.
Hiện nay khu vực Tây Bắc đang có 4 phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không. Hệ thống giao thông trong khu vực đóng một vai trò quan trọng cho việc đi lại và vận tải hàng hoá, nhưng qua sử dụng nhiều năm, do công tác đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm thật đúng mức nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng nghèo đói, chậm phát triển kinh tế, hạn chế giao lưu với các khu vực khác của cả nước, không đáp ứng nhu cầu phát triển chung của khu vực.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GTVT xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, kêu gọi đầu tư ODA và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác của cả nước. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những chính sách ưu tiên ngân sách cho Tây Bắc.
Châu Như Quỳnh