1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ cấp miễn phí Tamiflu do Việt Nam sản xuất

Cục trưởng cục Quản lý dược Cao Minh Quang cho biết, Việt Nam sản xuất Tamiflu với mục đích phi thương mại. Vì vậy, nó sẽ được cấp phát miễn phí cho các cơ sở điều trị để chữa cho người dân khi có dịch chứ không bán ra thị trường tự do.

Vào ngày 7/11, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thương thảo với hãng Roche về điều kiện và thủ tục sản xuất nhượng quyền Tamiflu tại Việt Nam. Bộ cũng đang nghiên cứu phương án cưỡng chế nhượng quyền thuốc này khi không đạt được thỏa thuận.

 

Bà Trần Thị Trung Chiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, khẳng định, bằng mọi giá, Bộ phải chuẩn bị đủ Tamiflu cho người dân. Ngoài việc "đặt hàng" Tổ chức Y tế Thế giới để họ chuyển thuốc ngay trong 24 giờ khi Việt Nam có dịch, Bộ sẽ lập kế hoạch để sản xuất. "Việc sản xuất Tamiflu ở Việt Nam là chắc chắn. Nếu Roche không đồng ý nhượng quyền, ta sẽ cưỡng chế nhượng quyền để sản xuất vì mục đích phi thương mại. Cục Quản lý dươc phải nghiên cứu kỹ về mặt pháp lý để thực hiện điều này. Về kỹ thuật, chúng ta không lo vì rất nhiều nhà máy có dây chuyền sản xuất viên nang đạt chuẩn quốc tế. Vấn đề chỉ là nguồn nguyên liệu".

 

Ông Cao Minh Quang, Cục trưởng cục Quản lý dược, cho biết, nguyên liệu sản xuất Tamiflu là oseltamivirr phosphate, có tác dụng ức chế một men của virus cúm, ngăn cản việc tạo thành các virus mới và làm chậm quá trình nhiễm. Chất này được bảo hộ sở hữu trí tuệ đến năm 2016. Tuy nhiên, trước tình hình khẩn cấp, một số nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan đã quyết định tự sản xuất mà không cần xin phép. Theo giáo sư Lê Ngọc Trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam nên tính đến phương án mua Tamiflu hoặc nguyên liệu từ các nước và vùng lãnh thổ này.

 

Giải thích về tình trạng thiếu Tamiflu dự trữ nhưng thuốc này vẫn được bán nhiều trên thị trường với giá cao, ông Cao Minh Quang cho biết: Tamiflu đã có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam từ năm 2001, có tác dụng với các loại cúm nói chung. Tuy nhiên, trước đây, người dân không mấy để ý đến thuốc này, chỉ đến khi nguy cơ đại dịch cúm được cảnh báo dồn dập mới đổ xô đi mua. Thuốc bán tự do trên thị trường có thể là những lô hàng cũ nhập từ mấy năm trước. Còn thuốc mà Bộ Y tế chuẩn bị cho cúm gia cầm không hề được bán ra thị trường, bao gồm 100.000 viên mà Nhật Bản viện trợ năm ngoái, đã sử dụng hết và gần 600.000 viên Đài Loan vừa hỗ trợ tháng trước, đang lên kế hoạch phân bổ.

 

Ông Quang cho biết, trước hình trạng người dân và cơ quan, tổ chức tự mua Tamiflu dự trữ, Bộ Y tế sẽ có văn bản khuyến cáo không nên làm như vậy. Cục cũng sẽ kiểm tra để ngăn chặn tình trạng lợi dụng hoàn cảnh để bán thuốc này với giá "trên trời".

 

Theo VnExpress