DMagazine

"Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, còn vợ còn chồng... là phước đức bao phần"

(Dân trí) - Không kịp hưởng niềm vui đoàn tụ gia đình, cuộc chiến sống còn của nhiều bệnh nhân Covid-19 khi có kết quả xét nghiệm âm tính... tréo ngoe thay, giờ mới là lúc bắt đầu.

Không kịp hưởng niềm vui đoàn tụ gia đình, cuộc chiến sống còn của nhiều bệnh nhân Covid-19 khi có kết quả xét nghiệm âm tính... tréo ngoe thay, giờ mới là lúc bắt đầu.

Trung tuần tháng 9, TPHCM công bố kế hoạch phục hồi kinh tế với 3 giai đoạn. Tiền đề của kế hoạch này là việc hơn 155.000 F0 đã xuất viện, hơn 8 triệu liều vắc xin đã được tiêm.

Khi nhiều người rục rịch bàn về vấn đề cấp "thẻ xanh", "thẻ vàng" để trở lại bình thường mới - như minh chứng cho cuộc sống bình thường sắp được hồi sinh, thì nhiều bệnh nhân vẫn còn chấp chới giữa lằn ranh sinh tử... hậu điều trị Covid-19.

Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, còn vợ còn chồng... là phước đức bao phần - 1

"Bác sĩ ơi… SpO2 của mẹ tôi tụt xuống 84 nữa rồi. Cứ tháo mặt nạ ra lại rất thấp. Vậy có sao không, khi nào mới được xuất viện vậy bác sĩ…".

Tiếng người phụ nữ hòa vào tiếng bánh xe tiêm thuốc cạ xuống nền gạch của nhân viên y tế khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau điều trị Covid-19, Bệnh viện (BV) Thống Nhất, đang đến gần.

Cả tuần nay, ngày nào chị Thùy (51 tuổi, ngụ Quận 7) cũng đặt câu hỏi này, dù chỉ nhận cùng một đáp án: Chưa thể biết khi nào bệnh nhân Dương Thị H. (70 tuổi, mẹ ruột chị Thùy) đủ tiêu chuẩn rời viện.

Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, còn vợ còn chồng... là phước đức bao phần - 3

Nhân viên y tế đo SpO2 cho bệnh nhân Dương Thị H.

Hơn 3 tuần trước, hàng xóm sát bên nhà họ qua đời vì Covid-19. Lo lắng vì thấy có triệu chứng sốt ho, cả gia đình tự mua test nhanh về xét nghiệm và lần lượt phát hiện tất cả 7 thành viên dương tính với SARS-CoV-2.

"Ngày 13/8, anh trai tôi nhiễm bệnh. Mẹ tôi phát hiện 3 ngày sau đó và nặng nhất. Tôi cùng mọi người ở nhà tự điều trị nhưng cố gắng nhờ người quen chuyển bà vào BV quận Gò Vấp, vì bà cao tuổi lại có bệnh nền. Một tuần trước, mẹ đã có kết quả xét nghiệm âm tính rồi nhưng phổi vẫn còn tổn thương nặng. Bà phải đeo mặt nạ để thở từ lúc chuyển sang đây" - chị Thùy nói, mắt vẫn hướng về mẹ già đang nghiêng người ép sát vào tường, mệt mỏi.

Tiếng đã khỏi Covid-19, nhưng thứ chực chờ tấn công bà giờ đây là tiền sử cao huyết áp và tim mạch. Những ngày qua, ngoài điều trị hỗ trợ phổi, bà được xông khí dung, tập vật lý trị liệu và dùng thuốc liên tục.

Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, còn vợ còn chồng... là phước đức bao phần - 6

"Con virus quái ác tấn công làm phổi mẹ tôi trắng xóa. Bác sĩ đã truyền kháng sinh, kháng viêm nhiều lắm rồi, ngày nào cũng phải tập thở mấy lần. Cả nhà đã khỏe hết, chỉ còn chờ bà về thôi" - người con chia sẻ.

Vẫy tôi ra ngoài, cô điều dưỡng mặc đồ bảo hộ kín tên Hằng hướng ánh nhìn về căn phòng bên cạnh, nơi có một bệnh nhân đặc biệt nữa.

"Thôi đừng khóc nữa, nín đi anh, khóc nữa là đàm lên đó…".

Một người đàn ông quay lưng vô trong, đang nấc lên từng tiếng, khiến người nuôi bệnh phải liên tục vỗ vào lưng để trấn tĩnh.

"Cứ nghe ai nhắc tới vợ, tới cha là ảnh hoảng lên vậy đó. Tại nhớ nhà, nhớ vợ, còn cha bị con "cô-vít" giết rồi. Mà chỉ biết khóc vậy, chứ đâu nói năng gì được" - anh Nguyễn Kim Giàu (người chăm sóc) giải thích và kể bệnh nhân tên Liêm đã tai biến liệt nửa người sau cú sốc mất đi người yêu quý nhất của mình.

Quãng thời gian chăm sóc cha, anh Liêm cũng bị lây bệnh. Vừa đột quỵ lại mắc Covid-19, hành trình giành giật sự sống cho anh trải qua lắm gian truân. Đã có lúc, tử thần tưởng ở rất gần. 20 ngày vừa hồi sức, vừa điều trị Covid-19, anh Liêm thoát chết thần kỳ. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho quãng đường dài tìm lại cuộc sống.

"Nửa người bên trái của anh Liêm vẫn chưa cử động được. Âm tính mười mấy ngày rồi mà phổi còn viêm nặng lắm. Con ảnh mới học lớp 2 nên vợ phải ở nhà lo. Gọi hỏi thăm cũng phải lén, vì mỗi lần nghe tiếng vợ thì ảnh lại… Đó, vừa mới nói…" - cuộc trò chuyện của chúng tôi đứt quãng, thay bằng tiếng hổn hển xúc động của nam bệnh nhân vì nhận ra ai đó nhắc đến bi kịch gia đình.

Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, còn vợ còn chồng... là phước đức bao phần - 7

Anh Nguyễn Kim Giàu chuẩn bị cho bệnh nhân Liêm ăn qua đường ống.

Tôi tự hỏi những hoàn cảnh trên đã là những số phận tận cùng bất hạnh "hậu Covid-19" - đang chữa trị tại BV Thống Nhất chưa, cho đến khi nhìn thấy hình ảnh cụ ông đang thực hiện các bài tập giãn cơ và phục hồi chức năng thở. Nơi ông nằm vốn trước đây là phòng điều dưỡng, giờ được tận dụng để cứu chữa bệnh nhân khi đại dịch vẫn còn ngổn ngang.

Ông hướng mặt lên trần nhà, hai mắt nheo nheo đầy nếp nhăn, không chớp. Sát bên lại có một cô tình nguyện viên thúc giục cụ ráng thở, ráng co duỗi tay chân.

Đó là cụ Phục, đã 92 tuổi - cũng là trường hợp duy nhất tại đây không có người thân bên cạnh. Trước đó, trong hành trình dài chống chọi với tử thần Covid-19, cụ cũng đơn độc một mình. Thế nhưng khi nghe khách lặp đi lặp lại câu hỏi vì sao con cháu không vào chăm, cụ Phục bỗng hướng mặt xuống, cố lắc lắc đầu.

"Con tôi nó yếu lắm, tôi tự lo được. Nó phải ở nhà giữ nhà, đứa lớn thì coi tiệm net. Đứa nào cũng bận hết…" - tiếng bệnh nhân thều thào, thông tin lẫn lộn chắp vá.

Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, còn vợ còn chồng... là phước đức bao phần - 9

Bệnh nhân Phục (92 tuổi) được bác sĩ tập các bài tập giãn cơ.

"Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, ai còn vợ còn chồng, còn đủ người thân là phước đức bao phần. Hãy yêu thương nhau khi còn có thể…" - người nhà bệnh nhân gần đó dừng lại ở một bài viết trên mạng xã hội, đọc thành tiếng.

Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, còn vợ còn chồng... là phước đức bao phần - 11

11h30, thanh âm từ cô điều dưỡng đẩy xe đưa thức ăn lại vang vọng khắp hành lang.

Trong phòng hồi sức số 8, cô Nguyệt Phương (55 tuổi) mặt nhăn nhúm biểu thị sự đau đớn khi đang được truyền thuốc. Ngồi ghế chờ, đứa con trai mặc bộ đồ thun cũ mèm, đầu đội nón tai bèo đang cố thúc giục qua điện thoại để đồng nghiệp của mẹ tìm giúp thẻ bảo hiểm y tế thất lạc.

Thoáng thấy cô điều dưỡng cầm 2 phần cơm tiến đến, Lâm Trần Phương Bình (22 tuổi) xua xua tay:

"Lấy một phần cơm cho mẹ con thôi. Con chưa đói, một lát con xuống căng-tin ăn…".

Lời nói dối ấy bị chiếc bụng lép kẹp, gương mặt xám xịt lật tẩy. Bình thú nhận, 80.000/ngày tiền ăn là vấn đề lớn với cậu hiện tại. Bình ráng nhịn đói để tiết kiệm chi phí điều trị cho mẹ.

Nhà có 2 anh em, cha Bình là thương binh, đang tham gia chống dịch ở quận 10, còn mẹ làm công nhân may. Một ngày xấu trời cuối tháng 8, cả hai vợ chồng phát hiện mắc Covid-19. Họ xin địa phương túi thuốc dành cho F0 và tự điều trị tại nhà.

Nhưng đến khi đã xét nghiệm âm tính, người vợ lại gặp biến chứng khó thở nặng. Ảnh chụp phim với chẩn đoán tràn dịch màng phổi, một phòng khám đã chuyển bệnh nhân vào BV Thống Nhất vào ngày 12/9.

"Chắc chiều sẽ chụp phổi và xét nghiệm lại. Cũng cảm ơn bác sĩ đã nhiệt tình cứu chữa cho mẹ, nhưng tốn tiền nhiều quá. Hôm qua 7 triệu, nay lại thêm 5 triệu rồi. Toàn tiền mượn, mà mất cái bảo hiểm nữa…" - giọng Bình lo lắng.

Rồi Bình chép miệng, nhưng nuôi hy vọng Nhà nước, bệnh viện sẽ có chính sách hỗ trợ cho người đã khỏi Covid-19.

Đó cũng là mong ước của cô Ngọc Hương, vợ bệnh nhân Trần Văn Thành (57 tuổi). Họ vừa được BV thông báo viện phí tạm ứng 15 triệu đồng. Hỏi đủ đường đủ kiểu để đóng, vẫn phải xin thiếu lại 5 triệu. Một tháng trước - khi còn F0 đúng nghĩa, chú Thành điều trị tại một BV ở quận Bình Thạnh hoàn toàn miễn phí.

"Âm tính" - đồng nghĩa với việc không còn là bệnh nhân Covid-19 - phải lập tức đối mặt với việc tự chi trả mọi khoản phí, cho những biến chứng đằng sau đó.

Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, còn vợ còn chồng... là phước đức bao phần - 13

"Ổng còn suy hô hấp nặng, chân trái đau nhức không đi được nữa rồi. Những ngày sắp tới chưa biết tính sao" - người vợ vừa bóp chân cho chồng, vừa thở dài.

Chiến thắng virus SARS-CoV-2 với nhiều người là hạnh phúc. Nhưng trong tình thế của chú Thành và cô Hương, đã có lúc họ ước rằng: phải chi đừng… âm tính.

Khi nghe chúng tôi kể lại những chuyện mình ghi nhận được, bác sĩ Hoàng Ngọc Vân, Trưởng khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau điều trị Covid-19, BV Thống Nhất nhìn nhận, có rất nhiều vấn đề xảy đến với F0 sau khi đã âm tính. Phổ biến nhất là việc các bệnh nền bị thúc đẩy nặng hơn.

Hiện tại, 20 bệnh nhân của khoa đều có nhiều vấn đề cần giải quyết như xơ phổi, viêm phổi, suy hô hấp, suy nhược thần kinh, trầm cảm… Có những trường hợp không có người nhà hoặc người nhà là F0, sợ lây nhiễm, BV phải lo mọi thứ từ điều trị đến chăm sóc sinh hoạt hàng ngày.

Mới hoạt động ít ngày nhưng giường hồi sức của khoa không còn chỗ trống. Chiều 13/9, các bác sĩ đã cùng nhau kê thêm 16 giường, để có thêm hy vọng sống cho nhiều hoàn cảnh khác.

Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, còn vợ còn chồng... là phước đức bao phần - 15

"Bệnh nhân vào đây đã giống như điều trị ở mọi khoa thông thường. Cũng có mảnh đời khó khăn. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ liên hệ với phòng Công tác xã hội để tìm cách hỗ trợ chi phí cho họ" - bác sĩ Hoàng Ngọc Vân kể.

Từ khoa Nội điều trị theo yêu cầu chuyển sang, không đơn thuần là thi hành nhiệm vụ, bác sĩ Vân mong muốn có thể làm giảm thiểu thấp nhất những tổn thương, mất mát hậu Covid-19 của bệnh nhân. Di chứng mà Covid-19 để lại, theo vị bác sĩ chia sẻ, có thể kéo dài từ 3 tháng, 6 tháng, đến một năm. Hoặc hơn thế nữa...

TS. BS Võ Thành Toàn, Phó giám đốc BV Thống Nhất cho biết, theo y văn, các biến chứng mà bệnh nhân Covid-19 thường mắc phải sau điều trị là tim mạch, tổn thương phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính.

Ở châu Âu, có từ 20-30% tỷ lệ bệnh nhân sau điều trị Covid-19 tiếp tục nhập viện do bị suy kiệt, các bệnh lý nền như suy thận, đái tháo đường, suy nhược thần kinh...

Đặc biệt, bệnh nhân còn gặp những biểu hiện tâm lý đa dạng như trầm cảm, chán ăn, mất ngủ, kích động, suy nghĩ nhiều.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân vì đang trong thời gian cách ly và có nguy cơ tái dương tính nên không thể đến các cơ sở y tế để điều trị các vấn đề phát sinh. Do đó việc điều trị cho mỗi bệnh nhân cần cá thể hóa.

PGS.TS. Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng Cơ sở 3, BV Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, Covid-19 kéo dài có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia hoạt động xã hội của người bệnh, gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

Thống kê trên thế giới cho thấy, khoảng 1/4 số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất một tháng. 1/10 trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, và đặc biệt có một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược.

Sau đại dịch ai còn cha còn mẹ, còn vợ còn chồng... là phước đức bao phần - 17