Phú Yên:
Sau bão, dân lại bị triều cường đánh sập nhà
(Dân trí) - Sau bão Damrey, triều cường và sóng biển đang tiếp tục tàn phá hàng chục nhà dân ven biển thuộc xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Ghi nhận của PV Dân trí tại hiện trường chiều ngày 6/11, tại khu vực này đã có ít nhất 7 nhà dân bị triều cường, sóng biển đánh sập hoàn toàn. Nhiều nhà liền kề bên trong cũng đang bị xói lở móng, nguy cơ sập là rất lớn. Kè biển An Phú dài 500m, cao 2,7m bảo vệ khu dân cư cũng đang bị đánh sập bên trong.
Hiện tại, tỉnh Phú Yên đã huy động hơn 60 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương khẩn cấp di dời dân ra khỏi vùng triều cường uy hiếp; đắp bờ bao chống sạt lở, xâm thực vào đất liền.
Cũng như nhiều hộ nhân khác, nhà bà Trần Thị Thanh Kiều, ở thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa vừa bị triều cường đánh sập, cuốn trôi ra biển, phải ở tạm trong Lăng ông Long Thủy.
“Triều cường lấy đi hết rồi, không còn gì hết. Chưa bao giờ sóng biển lại hung dữ như mấy ngày qua”, bà Kiều nghẹn ngào nói.
Gần bên, nhà bà Trần Thị Thu cũng bị sập tường, sóng biển đang tiếp tục đánh bổ vào bên trong, nguy cơ sập nhà hoàn toàn. Bà Kiều lo lắng: “Trong bão số 12, từ 5 giờ sáng ngày 4/11, triều cường đã bắt đầu đánh bổ cho đến nay. Nhiều nhà bị sập, người dân không kịp dọn đồ đạc, chạy sang nhà hàng xóm tránh trú. Sóng biển cao từ 5 đến 7m dồn dập vỗ thẳng vào nhà, thật kinh hoàng”.
Đang cùng cán bộ, chiến sĩ khẩn trương gia cố bờ bao trong tình trạng sóng biển tiếp tục đánh lớn, Thiếu tá Nguyễn Viết Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện và nghiệp vụ Công an tỉnh Phú Yên cho biết: “Chúng tôi đã huy động các học viên giúp dân khẩn trương di chuyển đồ đạc, đắp bao cát chắn sóng. Theo dự báo, trong những ngày tiếp theo sẽ tiếp tục có sóng lớn.
Ngày 7/11, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Lâm Đồng có 3 người chết. Cụ thể, có 2 người trú tại huyện Lạc Dương và 1 người trú tại TP Đà Lạt. Toàn tỉnh có 3 căn nhà sập, 87 căn nhà bị tốc mái, 2 vị trí ngập nặng, nhiều cây xanh, cột điện bị ngã đổ; nhiều vị trí giao thông bị hư hỏng, 1 cầu sắt bị cuốn trôi.
Thiệt hại nặng nhất là về nông nghiệp với hơn 400 ha cây trồng bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước trên 92 tỷ đồng.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 gây ra, tuyến Quốc lộ 27C từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đi TP Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn đang bị ách tắc tại khu vực đèo Khánh Vĩnh.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai ngay các nội dung, biện pháp để khắc phục.
Đồng thời, ngành Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng cũng đã phối hợp với các địa phương dọn dẹp, xử lý dọn dẹp cây cối gãy đổ trên đường, xử lý các vị trí sạt lở gây ách tắc; thực hiện công tác tuyên truyền, đồng thời có biện pháp ứng phó nếu các nhà máy thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn.
Các địa phương lập chốt, cắm biển cảnh báo tại các vị trí cầu, đường bị hư hỏng, giúp người dân khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại. Ngành điện lực khắc phục tình trạng mất điện cục bộ do cây xanh ngã đổ.
N. Hà
Thanh Hóa: Hỗ trợ khẩn 55 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ
Để hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, đơn vị trên địa bàn khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại do trận lũ lịch sử vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khẩn về việc hỗ trợ 55 tỷ đồng cho các địa phương, đơn vị liên quan.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định khẩn về việc phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh này để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại do mưa lũ gây ra từ ngày 9 - 12/10/2017.
Tổng kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh năm 2017 là 55 tỷ đồng. Cụ thể, mức hỗ trợ mỗi địa phương 3 tỷ đồng đối với các huyện: Quan Sơn, Thường Xuân, Hà Trung, Nông cống, Yên Định, Bá Thước, Thọ Xuân, Thạch Thành.
Hỗ trợ mỗi địa phương 2 tỷ đồng đối với các huyện: Tĩnh Gia, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa.
Hỗ trợ mỗi địa phương 1 tỷ đồng đối với các huyện: Như Thanh, Nga Sơn, Quan Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc, Đông Sơn, Mường Lát, Bỉm Sơn, Triệu Sơn, thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng hỗ trợ 2 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Sông Chu; 1 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Sông Mã và Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Sông Mã.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục nghiệp vụ, thông báo cụ thể mức vốn hỗ trợ theo hình thức bổ sung có mục tiêu và mục tiêu đầu tư cho các địa phương để thực hiện, đảm bảo theo quy định hiện hành.
Đối với các địa phương, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khắc phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nhằm ổn định lại đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Các đơn vị liên quan có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, nội dung, hiệu quả và thanh quyết toán theo quy định...Đồng thời, các Sở, ngành có liên quan có trách nhiệm chủ động giải quyết các nội dung công việc có liên quan đến ngành; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương theo đúng quy định.
Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản và các công trình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thống kê cho thấy, mưa lũ đã khiến 21 người chết và mất tích; thiệt hại về tài sản, sản xuất cũng như các công trình...trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước tính hơn 3.000 tỷ đồng.
Duy Tuyên
Trung Thi