1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Sau 9 lần vỡ, vì sao Vinaconex vẫn được giao làm đường ống nước sông Đà?

(Dân trí) - “Hà Nội đã xem xét rất kỹ trước khi chọn Vinaconex làm đường ống nước sông Đà số 2. Cũng đơn giản là vì Bộ Xây dựng đề nghị, Vinaconex có nhiều kinh nghiệm, họ còn cam kết về chất lượng, vật liệu, tiến độ, nguồn vốn đầu tư nên được giao”.

Ngày 29/7, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội phân tích rõ lý do vì sao Tổng Công ty Vinaconex tiếp tục được đặt niềm tin làm đường ống nước sạch sông Đà số 2 sau 9 lần đường ống số 1 bị vỡ chỉ trong vòng hơn 3 năm.

Đường ống nước sạch sông Đà liên tục vỡ từ khi đưa vào khai thác
Đường ống nước sạch sông Đà liên tục vỡ từ khi đưa vào khai thác

Sau 9 lần đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội bị vỡ, mới đây UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex lập phương án cụ thể để khởi công tuyến đường ống số 2 trong tháng 8 tới để bảo đảm ổn định cấp nước cho nhân dân. Đơn vị này phải tập trung thi công và hoàn thành trong 3 tháng đoạn từ quốc lộ 21 đến sông Tích, để kết nối với tuyến ống số 1, bảo đảm ổn định cấp nước cho nhân dân. Với phần tuyến đường ống còn lại phải hoàn thành trong thời gian 6 tháng kể từ khi khởi công.

Trước việc Hà Nội tiếp tục đặt niềm tin như trên vào một đơn vị thường xuyên làm đảo lộn của sống của hàng triệu người dân sống ở các quận phía Nam (Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai…), rất nhiều người dân tỏ ra lo ngại.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định: “Hà Nội đã xem xét rất kỹ khi lựa chọn Vinaconex. Ở đây cũng phải nói rõ, tuyến đường ống cấp nước hay nhà máy nước sông Đà là do doanh nghiệp đầu tư. Tiền của doanh nghiệp chứ không phải của ngân sách”.

Hà Nội tiếp tục giao cho Tổng Công ty Vinaconex làm đường ống nước sạch sông Đà số 2 được ông Thịnh lý giải vì theo đề nghị của Bộ Xây dựng, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Vinaconex đã cam kết về chất lượng, vật liệu, tiến độ, nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, theo ông Thịnh qua quá trình đầu tư đường ống số 1, Vinaconex cũng là đơn vị có “rất nhiều kinh nghiệm”, còn đường ống số 1 vỡ là ngoài ý muốn.

“Trước sức ép về yêu cầu nước sạch của nhân dân, Hà Nội yêu cầu Vinaconex phải có trách nhiệm cung cấp nước theo hợp đồng đã ký. Và vì vỡ đường ống ảnh hưởng đến nhân dân nên Hà Nội đã yêu cầu Vinaconex phải làm”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, nếu như Tổng Công ty Vinaconex hoặc không doanh nghiệp nào làm được thì TP Hà Nội sẽ đứng ra làm đường ống nước sông Đà để đảm bảo nước sinh hoạt cho dân. Khi đó, thành phố sẽ mua nước với giá bán từ đầu nguồn ngay tại nhà máy chứ không phải cuối nguồn như hiện nay.

Quang Phong