1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lật lại “bài toán trách nhiệm” về vỡ đường ống nước sông Đà

(Dân trí) - Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình - Bộ xây dựng cho rằng, nhà đầu tư đường ống không chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng, việc quản lý, khai thác công trình mà còn phải tiếp tục đầu tư tuyến ống giai đoạn 2 như quy hoạch.

Lần thứ 8 và thứ 9 vỡ đường ống đã xảy ra liên tiếp chỉ trong một vài ngày.

Lần thứ 8 và thứ 9 vỡ đường ống đã xảy ra liên tiếp chỉ trong một vài ngày.

Nói về trách nhiệm trong việc bảo đảm cung ứng nước sạch cho thành phố trong thời gian tới khi sự vố vỡ đường ống nước dẫn nước sông Đà vẫn liên tục xảy ra với tần suất mỗi lúc một dày đặc, Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình - Bộ xây dựng Lê Quang Hùng chỉ rõ, cần phân biệt có 2 trách nhiệm.

Trước hết là trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như của nhà thầu thiết kế, thi công, Cty quản lý khai thác đối với công trình. Nhà đầu tư và Cty quản lý khai thác nước Sông Đà có trách nhiệm phải thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với các Cty cấp nước sạch của Hà Nội.

Vấn đề sau đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân của thành phố.

Đối với nhà đầu tư – TCty Vinaconex cũng như nhà thầu thiết kế, thi công, nhà sản xuất đường ống, công ty vận hành tuyến ống, theo ông Hùng, các đơn vị này phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, trách nhiệm về sự cố xảy ra, trách nhiệm về việc vận hành đường ống, trách nhiệm khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế. Nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục đầu tư tuyến ống giai đoạn 2 theo đúng quy hoạch của Dự án này.

Cục trưởng Lê Quang Hùng cũng đánh giá, chính quyền địa phương  là UBND TP Hà Nội cũng như Sở Xây dựng đã nhanh chóng vào cuộc, đưa ra các biện pháp hỗ trợ cấp nước cho các khu vực dân cư mất nước do tuyến ống bị sự cố cũng như các biện pháp phối hợp giữa các công ty cấp nước sạch để ứng cứu kịp thời.

Bên cạnh đó UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến ống số 2.

Bộ Xây dựng với chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng cũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với nhà đầu tư là Cty khai thác nước Sông Đà và các đơn vị liên quan của thành phố tìm mọi biện pháp để bảo đảm cung ứng nước sạch cho người dân.

Cụ thể về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, ông Hùng phân tích, dự án đầu tư xây dựng tuyến ống truyền tải nước Sông Đà về Hà Nội được Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng tại văn bản số 1285/CP-CN ngày 24/9/2003. Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex đã ban hành các quyết định phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào cuối năm 2003 và đầu năm 2004.

Theo quy định của pháp luật đầu tư về xây dựng, thì việc tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng thuộc về Chủ đầu tư – Tổng công ty Vinaconex và các nhà thầu có liên quan.

Tại thời điểm đó Tổng công ty Vinaconex không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Vinaconex cũng đã được cổ phần hóa và được chuyển về cho TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp này.

Cục trưởng Lê Quang Hùng.
Cục trưởng Lê Quang Hùng.

Dẫn giải thêm về trách nhiệm của cơ quan giám định chất lượng chuyên ngành trong quá trình đánh giá, nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng, Cục trưởng Lê Quang Hùng cho biết, tại thời điểm Vinaconex làm đường ống dẫn nước này, công tác quản lý chất lượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 209. Theo quy định của Nghị định này, toàn bộ các giai đoạn từ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu do chủ đầu tư tổ chức quản lý chất lượng, không có quy định về việc cơ quan quản lý nhà nước tham gia trực tiếp trong quá trình kiểm soát chất lượng thiết kế cũng như chất lượng thi công, nghiệm thu.

Cũng theo ông Hùng, thời điểm khi đó, công trình không thuộc danh mục công trình được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra hay nghiệm thu. Trách nhiệm chung về quản lý nhà nước các công trình xây dựng trên địa bàn, theo đó, thuộc chính quyền địa phương.

“Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra và làm việc với TCty Vinaconex, Sở Xây dựng Hà Nội và các bên có liên quan. Bộ trưởng đã chỉ đạo tổ chức giám định nguyên nhân sự cố; chỉ đạo đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để khắc phục sự cố, chỉ đạo sở Xây dựng cùng với các Cty cấp nước sạch đảm bảo cung cấp nước cho người dân thành phố. Bộ cũng đồng thời đề nghị UBND Hà Nội tạo điều kiện và hỗ trợ trong việc triển khai xây dựng tuyến ống số 2” – Cục trưởng Lê Quang Hùng thông tin.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Giám định đã yêu cầu Viện Khoa học công nghệ xây dựng phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng xuống hiện trường lấy mẫu giám định, thí nghiệm và đưa ra kết luận về nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đường ống.

2 nguyên nhân khiến đường ống liên tục vỡ

Nguyên nhân thứ nhất là nguyên nhân xoay quanh chất lượng đường ống không đồng đều, qua việc lấy mẫu thí nghiệm cũng như đánh giá bằng cảm quan cho thấy bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, về lâu dài dễ gây bong rộp, tách lớp ống, đây là nguyên nhân sâu xa về mặt chất lượng đường ống.

Nguyên nhân thứ 2 là trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống, lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng (ví dụ: ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt; gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu một số tấm bê tông dàn tải tại hầm chui dân sinh; một số dị vật lẫn trong lớp cát đệm xung quanh ống có thể tác động bất lợi vào thành ống).

Các nguyên nhân này đều dẫn đến hiện tượng, xu hướng làm giảm khả năng kết dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống và về lâu dài làm hỏng cục bộ đường ống.

Ngoài các nguyên nhân chính nêu trên, còn có một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của tuyến ống như: ảnh hưởng của việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long có tác động bất lợi lên đường ống; việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian (trong khi không có kết quả thí nghiệm chứng minh độ bền lâu của vật liệu chế tạo ống).
 
P.Thảo