1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người

(Dân trí) - Theo kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở vào 0h ngày 1/4/2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người.

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị.

Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người - 1

Quang cảnh Hội nghị.

Theo tài liệu của Ban Tổ chức, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành từ 0 giờ ngày 1/4/2019 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975. 

Theo Báo cáo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số dân của Việt Nam là hơn 96,2 triệu người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. 

Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của nước với 22,5 triệu người, chiếm 23,4%. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người, chiếm 6,1%.

Dân số thuộc dân tộc Kinh là hơn 82 triệu người, chiếm 85,3%.  Trong 53 dân tộc thiểu số, 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là: Tày, Thái, Mông, Khmer, Nùng (trong đó dân tộc Tày có dân số đông nhất với 1,85 triệu người); 11 dân tộc có dân số dưới 5.000 người, trong đó Ơ Đu là dân tộc có dân số thấp nhất (428 người). Địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên...

Qua kết quả điều tra cho thấy, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí được cải thiện; sức khoẻ của người dân đặc biệt là sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em được tăng cường; tỷ lệ người khuyết tật giảm; vấn đề giải quyết việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động được chú trọng...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với quy mô dân số trên 96,2 triệu người, tăng 10,4 triệu người trong vòng một thập kỷ qua, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7%), điều này phản ánh tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tăng mạnh.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm đa số (tới 68% tổng dân số); dân số có khả năng lao động đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng dân số, dự báo Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” vào khoảng năm 2040.

“Điều này thôi thúc Chính phủ, các Bộ ngành về chủ trương vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách thích ứng với già hóa dân số vừa cần tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực "vàng" cho phát triển kinh tế tạo bứt phá để vượt bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người - 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cuộc điều tra này, chúng ta đã huy động 12.000 ban chỉ đạo điều tra, các cấp Trung ương đến địa phương. Cuộc điều tra được các tổ chức nước ngoài đánh giá rất cao, một số nước đã và đang sang học tập kinh nghiệm của Việt Nam, thành công cuộc Tổng điều tra dân số được chia sẻ tại các diễn đàn trên thế giới, hội nghị khu vực Thái Bình Dương.

Nguyễn Dương