Quảng Ngãi:
Sạt lở núi, xuất hiện hố sụt lún sâu hơn 10m
(Dân trí) - “Cứ khoảng 10 phút tôi lại nghe có tiếng đất sụt xuống và tiếng vang trong lòng đất, mỗi lần như thế tôi lại nổi da gà, sợ quá. Chắc tôi phải di dời đi nơi khác, chứ ở gần “tử thần” như thế này không yên tâm”.
Sạt lở đất gây rạn nứt nhà dân
Ngay sau khi vụ lở núi xảy ra, địa phương phối hợp với Sở Giao thông và Vận tải, cùng với đoàn viên thanh niên khắc phục sự cố, tạo mạch lưu thông tạm thời.
Tại huyện Sơn Tây, mưa lớn khiến cho nhiều đoạn của tuyến đường Trường Sơn Đông đang thi công bị sạt lở nghiêm trọng. Tại huyện Trà Bồng còn tồn tại 25 điểm sạt lở có nguy cơ cao, đe doạ gần 1.000 hộ dân. Tại huyện Tây Trà, 33 hộ dân nằm trong lòng hồ của dự án hồ chứa nước Nước Trong, cho đến nay, địa phương vẫn chưa được di dời trong khi tại đây nước đã mấp mé vườn nhà. Còn hơn 400 hộ dân khác đã di dời lên khỏi lòng hồ, tuy nhiên họ sống trong cảnh tạm bợ bằng những tấm lều bạt.
Bà Hồ Thị Thơm ở sát hố sụt lún cho biết: “Cứ khoảng 10 phút là tôi nghe có tiếng đất sụt xuống và tạo tiếng vang trong lòng đất, mỗi lần như thế tôi lại nổi da gà, sợ quá. Chắc tôi phải di dời đi nơi khác, chứ ở gần “tử thần” như thế này, tôi không yên tâm”.
Cho đến thời điểm này, hố sụt lún ngày càng sâu, khiến nhiều nhà của người dân bị rạn nứt, nền nhà bị rung như động đất. Nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng rất cao nếu trời tiếp tục mưa.
Ông Nguyễn Tấn Nông - Chủ tịch UBND thị trấn Mộ Đức - cho biết: “Nguyên nhân gây sụt lún có thể do vùng đất này là đất cao lanh, địa chất yếu nên dễ xảy ra hiện tượng này, cũng có thể mạch nước ngầm vỡ, dẫn đến sụt lún nghiêm trọng ở địa phương. Trước tình hình nguy cấp, chúng tôi cho di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho họ. Ngoài ra, địa phương thành lập đội cơ động trấn giữ 24/24 giờ, không cho những người hiếu kỳ đến xem và nhờ cấp trên can thiệp”.
Hồng Long