1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thái Nguyên:

“Sạt bãi thải là do nhiều đơn vị buông lỏng quản lý kỹ thuật”

(Dân trí) - Sau khi trực tiếp đến hiện trường mỏ than Phấn Mễ TS Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc Ban quản lý các dự án than Đồng bằng sông Hồng (Viancomin) nhận định, nguyên nhân vụ sạt bãi thải là do nhiều đơn vị chức năng buông lỏng việc quản lý, giám sát kỹ thuật.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1951/Sat-lo-bai-thai-mo-than-chon-vui-ca-chuc-ho-dan.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Sạt lở bãi thải mỏ than chôn vùi cả chục hộ dân</b></a>

Ngay sau khi trở về từ hiện trường vụ sạt bãi thải kinh hoàng, được xem là nghiêm trọng nhất trong ngành than từ trước đến nay TS. Nguyễn Thành Sơn đã đưa ra cảnh báo đáng lo ngại về nguy cơ xảy ra tai nạn ở các mỏ trên địa bàn.

“Sạt bãi thải là do nhiều đơn vị buông lỏng quản lý kỹ thuật”
TS Nguyễn Thành Sơn: " Đây là vụ sụt bãi thải lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam mà tôi biết...".

Qua đi thực tế tại hiện trường vụ sạt lở mỏ than Phấn Mễ và so sánh với phương án đổ thải mà Công ty gang thép Thái Nguyên đã xây dựng, ông có nhận xét gì?  

 

Tôi thấy thực tế đã sai lệch rất nhiều so với các phương án đổ thải tại mỏ than Phấn Mễ. Theo mắt thường mà tôi và những đồng nghiệp quan sát thực tế tại hiện trường thì không phát hiện có dấu hiệu của việc xây kè chắn ở chân bãi thải.

 

Dù trong phương án đổ thải có ghi rõ kè có chiều cao 3m, dày 5m, cách chân bãi thải 5m. Nhưng tại hiện trường không hề có tường ngăn. Nếu có tường ngăn thì sẽ không có thảm họa đến mức nghiêm trọng như vừa xảy ra.  Hơn nữa, nền đất khu vực đổ thải lại rất yếu.

 

Trong phương án đổ thải của chủ mỏ đã có phân tầng bãi thải, mỗi tầng cao 15-20 m. Khi quan sát thực tế tại hiện trường, tôi đếm được chỉ có 4 tầng đổ thải, chiều cao rất lớn, trên 30 m/tầng. Trình tự đổ thải phải là đổ từ dưới đổ lên, vì như thế nền đất thải sẽ được gia cố, nén xuống thì đất đá sẽ bền chặt hơn. Nhưng thực tế, nhiều khả năng đơn vị đổ thải đã đổ tùy tiện, các tầng không phân rõ, do đó, có thể đổ theo kiểu ngọn từ trên xuống, đất đá rất ít tính kết dính.


“Sạt bãi thải là do nhiều đơn vị buông lỏng quản lý kỹ thuật”
Dù đã có phương án đổ thải nhưng thực tế tại mỏ than Phấn Mễ lại thực hiện... khác hoàn toàn.
Phương án đổ thải ghi góc dốc sườn núi bãi thải là 7%, nhưng thực tế tôi quan sát góc rất lớn, có thể lên tới trên 20%. Ngoài ra, theo phương án đổ thải, phải có cây xanh, nhưng ở bãi thải thực tế tôi thấy hầu như không tìm thấy cây xanh. Nếu có, cây xanh sẽ giúp liên kết vỏ bãi thải, chống lại việc trôi lấp đất đá.

 

Ở Thái Nguyên còn nhiều mỏ, vậy chính quyền cần làm gì để đảm bảo an toàn ở các bãi thải còn lại?

 

Hiện nay, ở những chỗ chưa bị sạt nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt, muốn xử lý, phải cắt tầng bãi thải, làm giảm độ dốc sườn bãi thải. Những bãi thải đã đổ rồi, định kỳ nửa năm phải có quan trắc, theo dõi lún, nếu bị lún quá nhiều, cần có giải pháp xử lý sớm.

 

Theo ông, bài học nào cho Thái Nguyên sau vụ việc đau lòng  này?

 

Vụ sạt bãi thải xảy ra trong điều kiện rất bình thường, không có mưa, động đất, do đó, có thể kết luận xảy ra vụ việc là do quản lý kỹ thuật bị buông lỏng. Cần lật lại xem người phụ trách kỹ thuật ở mỏ có trình độ chuyên môn không, theo quy định giám đốc mỏ phải chuyên môn về nghề mỏ. Nếu chủ mỏ không có bằng cấp về mỏ thì đã là vi phạm luật khoáng sản.

 

Tôi cũng được biết ở mỏ Phấn Mễ, người dân đã phải ảnh, đã đề nghị được di dời dân đi chỗ khác từ nhiều tháng trước, nhưng chính quyền và doanh nghiệp vẫn không di dời dẫn đến xảy ra thảm hoạ đau lòng. Đây chính là một bài học đau xót địa phương cần phải xem xét nghiêm túc trách nhiệm của cán bộ các ngành chức năng, cán bộ chính quyền địa phương.


“Sạt bãi thải là do nhiều đơn vị buông lỏng quản lý kỹ thuật”
Bãi đổ thải chất đống như ngọn núi cao hơn cả ngọn đồi ngay sát nhà dân tại xã Phục Linh, Đại Từ, Thái Nguyên.

Thái Nguyên hiện còn nhiều mỏ, như mỏ Trại Cau, mỏ đá… Qua việc này, Thái Nguyên phải chú ý đến bãi thải chứ không nên chỉ chú ý tới mỏ. Hiện nay, giá than mỡ rất cao (trên 4 triệu đồng/tấn), đa số các mỏ có đủ tài chính để thực hiện các phương án an toàn lao động. Tôi cho rằng, chính quyền phải có quy định chi tiết, buộc các mỏ phải đảm bảo đầy đủ các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn. Vấn đề là chính quyền  địa phương phải chỉ ra những lỗi, những yêu cầu về mặt kỹ thuật để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân. 

 

Hiện nay trong khai trường mỏ Phấn Mễ cũng rất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao vì bờ dốc của khai trường quá lớn, đất đá rất dễ bị sạt, trôi từ bờ xuống lòng moong khai thác, vùi lấp con người, xe máy đang làm việc ở dưới.

 

Xin cảm ơn ông!
 
"Diện tích trên vụ sạt bãi thải khoảng 10 ha, khối lượng khoảng 300.000 m3, đây là vụ sụt bãi thải lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam mà tôi biết. Nếu xét tổng thể, các cơ quan chức năng nên xem xét đến việc sớm đóng cửa mỏ than lộ thiên Phấn Mễ. Ngoài vấn đề đổ thải, xét về mặt kỹ thuật, khai trường mỏ Phấn Mễ hiện đang còn tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm cận kề" - Nhận định của TS Nguyễn Thành Sơn.
 

 

Quốc Đô - Anh Thế (Thực hiện)