Sắp xử phạt ô tô “không chính chủ”
(Dân trí) - Ô tô của cá nhân, tổ chức nếu chưa sang tên chuyển chủ sẽ bị phạt từ 1-4 triệu đồng. Quy định xử phạt này sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/1/2015.
Năm 2013, Bộ Công an ban hành Thông tư 12 quy định về việc tiếp nhận các trường hợp xe sang tên chuyển chủ từ ngày 15/4/2013. Đến 1/6/2014, Thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực đã thay thế Thông tư 12 và Thông tư 36 của Bộ này trước đó.
Ô tô không sang tên chuyển chủ sẽ bị xử phạt từ 1/1/2015
Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân và từ 2-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô không thực hiện đăng ký sang tên chuyển chủ theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.
Lộ trình thực hiện xử phạt đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô khi thực hiện hành vi vi phạm nói trên được thực hiện kể từ ngày 1/1/2015. Trong khi đó, thời điểm xử phạt đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô khi thực hiện hành vi vi phạm nói trên được thực hiện kể từ ngày 1/1/2017.
Việc xử phạt theo Nghị định 171 được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông gây hậu quả mức nghiêm trọng trở lên và thông qua công tác đăng ký xe.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt TP Hà Nội (PC67) - cho biết, hiện nay Hà Nội đang quản lý gần 502.000 xe ô tô và hơn 4.862.000 xe mô tô. Từ 15/4/2013 đến 16/11/2014, PC67 đã tiếp nhậ 47.765 trường hợp xe sang tên chuyển chủ, trong đó có 824 xe ô tô và 46.941 trường hợp là xe mô tô.
“Dù chỉ quản lý được hồ sơ và không xác định được số lượng phương tiện chưa chính chủ, nhưng so với số lượng phương tiện mà Hà Nội đang quản lý thì xe đăng ký sang tên chuyển chủ là rất khiêm tốn” - Đại tá Đào Vịnh Thắng cho hay.
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng PC67, Công an TP Hà Nội (ảnh: Việt Hưng)
Theo Trưởng phòng PC67 Hà Nội, thủ tục sang tên chuyển chủ xe rất đơn giản và đã được tuyên truyền, phát tờ khai đến từng khu dân cư, từng hộ dân và hướng dẫn rất cụ thể, thời gian sang tên chuyển chủ cũng rất nhanh chóng.
“Lí do số lượng xe đăng ký sang tên chuyển chủ vẫn ở con số khiêm tốn là do ý thức của người sở hữu phương tiện chưa cao, điều này đồng nghĩa với việc người sở hữu phương tiện vẫn coi nhẹ ý thức trách nhiệm về quyền được bảo vệ tài sản của chính mình. Nếu không thực hiện sang tên chuyển chủ phương tiện thì khi xảy ra tai nạn hay khi cần thiết phải điều tra, chính người sở hữu phương tiện phải chịu thiệt và phiền toái” - Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.
Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đã bán, cho, tặng, đến khi tổ chức hoặc cá nhân mua, nhận điều chuyển hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu có tranh chấp, điều tra, khởi tố vụ việc có liên quan đến chiếc xe đã bán, cho, tặng thì chủ xe phải chịu trách nhiệm liên đới. Vì vậy, việc thực hiện quy định sang tên chuyển chủ phương tiện cũng có nghĩa là người dân thực hiện trách nhiệm công dân của mình, chấp hành các quy định của pháp luật.
Như vậy, thời gian xử phạt vi phạm hành chính khi chủ sở hữu phương tiện không sang tên chuyển chủ đối với xe mua lại, được tặng, được cho, được thừa kế… còn đúng 1 tháng nữa.
Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng thông tin thêm, trong thời gian qua, thông qua công tác đăng ký phương tiện đã phát hiện 453 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, xác minh trùng vật chứng 96 trường hợp, đục tẩy số máy số khung xe 153 trường hợp, 168 trường hợp sử dụng đăng ký giả, 15 trường hợp xe trộm cắp và làm giả giấy tờ 21 trường hợp…
Như Quỳnh - Việt Hưng